Tối 20/4, tại Quảng trường Hùng Vương (TP Việt Trì, Phú Thọ) lãnh đạo Cục Di sản văn hoá, Cục Văn hoá cơ sở... đã tổng duyệt chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần văn hóa du lịch Đất Tổ 2023 với chủ đề Linh thiêng nguồn cội – đất Tổ Hùng Vương.
Đêm nghệ thuật này là điểm nhấn của chương trình bởi nó lồng ghép nhiều ý tưởng, nội dung các sự kiện: Khai mạc Lễ hội đền Hùng – Tuần văn hóa du lịch đất Tổ 2023, Lễ Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Liên hoan thực hành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.
Điểm nhấn là lễ khai mạc tối ngày 21/4. Đêm khai mạc sẽ lồng ghép nhiều ý tưởng, nội dung, vừa tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đã được UNESCO ghi danh, vừa ca ngợi công ơn Vua Hùng, các tiền nhân đã góp phần dựng nước, giữ nước, ca ngợi Tổ quốc..
Thạc sĩ, nhà biên kịch Lê Thế Song viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn chương trình. Với tổng thời lượng 90 phút (gồm cả phần lễ), chương trình nghệ thuật được đầu tư xây dựng công phu, quy mô hoành tráng theo hình thức nghệ thuật tổng hợp, lấy ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật các di sản văn hóa làm chủ đạo; âm nhạc, lời bình làm nhiệm vụ kết nối các tiết mục và diễn giải nội dung mang tính nghệ thuật cao, nổi bật không gian lễ hội, đậm nét văn hóa các vùng, miền.
“Thông qua chương trình nghệ thuật khai mạc này, tôi muốn người xem có thể cảm nhận tốt hơn, sâu hơn về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan - 2 di sản vùng đất Tổ đã được UNESCO ghi danh. Nhắc đến vùng đất Tổ Hùng Vương là nhắc đến hai di sản văn hoá phi vật thể này. Tôi đã mời 100 nghệ nhân của Phú Thọ, có những nghệ nhân 90 tuổi, cả những em học sinh tiểu học từ 4 phường Xoan nổi tiếng của Phú Thọ tham gia chương trình. Tôi muốn truyền thông điệp về sự trao truyền giữa các thế hệ, gìn giữ di sản, bản sắc dân tộc”, Tổng đạo diễn Lê Thế Song chia sẻ.
Tại lễ khai mạc cũng sẽ có màn trình diễn của 12 di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh: Hát Then, Ca Trù, nghệ thuật xòe Thái, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Dân ca Ví-Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghệ thuật Bài Chòi, Đờn ca tài tử, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên…
"Đây là chương trình thể hiện các trình thức di sản của Việt Nam một cách chi tiết nhất, nguyên bản nhất nhưng vẫn đậm chất nghệ thuật. Di sản lần đầu tiên được trình diễn một cách có hệ thống và đầy đủ nhất, đem tới cho công chúng góc nhìn rõ nhất, ấn tượng trên sân khấu lớn. Khán giả nhìn thấy sự độc đáo của di sản, giao thoa và lan tỏa của các di sản với nhau, trong cùng một dân tộc Lạc Việt", Tổng đạo diễn Lê Thế Song chia sẻ.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên: Trọng Tấn, Anh Thơ, Ngọc Ký, Ngọc Liên, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Diệu Hương, nghệ nhân Văn Tuấn, Khánh Hồng, nghệ nhân dân gian Phạm Hải Hưng....