Hội đầy đủ tiềm năng thế mạnh
Chính phủ xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương.
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận và Biển Đông chỉ cách Bình Dương khoảng 100km. Đây là các địa phương có tổng lượng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất cả nước đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Về giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác bằng đường bộ, đường không và đường thủy vì vậy tỉnh có lợi thế rất lớn trong việc phát triển các dịch vụ Logictic.
Về điều kiện tự nhiên, tỉnh là trung tâm cảng biển chính của khu vực Đông Nam Bộ, thuộc nhóm cảng biển số 05 bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các cảng lớn tập trung chủ yếu trên sông Thị Vải. Cảng Sài Gòn và nhà máy Ba Son đang di dời và xây dựng cảng biển lớn tại đây. Sông Thị Vải có luồng sâu 15 m đảm bảo các tàu container trên 100.000 tấn đã có thể cập cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đi thẳng sang các nước châu Âu, châu Mỹ.
Về chính sách, tỉnh đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp chiến lược đồng bộ để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, biến nguồn tài nguyên biển trở thành nguồn lực mạnh để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã tận dụng những lợi thế về vị trí gần biển để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, phát triển mạnh hệ thống cảng. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch tổng thể với 69 dự án cảng, trong đó đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm.
Riêng Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đánh giá thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất - cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lượng hàng thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 96-100 triệu tấn/năm; năm 2025 từ 128-141 triệu tấn/năm và năm 2030 khoảng từ 167-198 triệu tấn/năm. Song, đến năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt hơn 113 triệu tấn, vượt dự báo được duyệt.
Với sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh cùng với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi Bà Rịa – Vũng Tàu có đầy đủ tiềm năng thế mạnh để trở thành một trung tâm logistics của cả nước.
Trở thành đầu mối dịch vụ logistics của khu vực
Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025” vừa được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định 1452/QĐ của UBND tỉnh) đã cụ thể hóa mục tiêu thực hiện đối với logistics - lĩnh vực dịch vụ tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh vào GRDP đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân ở mức 8%; tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của tỉnh đạt bình quân 100 triệu tấn/năm. Đồng thời, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phấn đấu đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ.
Trong nhiều năm qua, để không ngừng nâng cao hiệu quả kết nối dịch vụ logistics giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực tam giác phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung có trọng điểm thu hút đầu tư vào việc phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh tại khu vực TX.Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu.
Đến nay, toàn tỉnh có 22 dự án kho bãi logistics, với 152 DN đang hoạt động, 10 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích 42ha. Nhiều dự án logistics đi vào hoạt động đã thực hiện có hiệu quả các dịch vụ: Lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, thu gom và phân phối hàng hóa phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ.
Với 69 bến cảng được quy hoạch, đã đưa vào khai thác 48 dự án, hệ thống cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu (thuộc cụm cảng số 4) được đánh giá là cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới. Với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20.000 TEU, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đủ khả năng đảm nhận 70-80% hàng hóa xuất khẩu của cả khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Châu Đức