TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng nhấn mạnh điều đó tại chương trình Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet vừa diễn ra.

Mời quý vị và các bạn xem video phần I cuộc trao đổi:

Kính thưa quý vị và các bạn,

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một chủ trương lớn. Thời gian qua, trên  phương diện cả nước, cũng như nhiều địa phương, chủ trương này đã được đẩy mạnh và thực tế, du lịch đã đạt được nhiều thành quả, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển.

Nhưng sự phát triển đó cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải được nhìn nhận thắng thắn, khách quan, để có giải pháp phù hợp hơn trong tương lai.

Xuất phát từ cách nhìn này, báo VietNamNet tổ chức bàn tròn: "Sự hài hòa trong phát triển du lịch",  nhằm đánh giá lại thực trạng và tìm kiếm thêm các giải pháp phù hợp, để đạt được mục tiêu nói trên.

Tham dự bàn tròn này, chúng tôi vui mừng chào đón các vị khách mời:

- Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

- PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

- TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES).

Xin được cảm ơn ba vị khách mời đã tham gia bàn tròn với chúng tôi ngày hôm nay.

MC Mỹ Hạnh: Thưa ba vị khách, phát triển du lịch một cách bền vững, là chủ trương luôn được nhấn mạnh từ trung ương cho đến từng địa phương, thậm chí từng điểm, từng dự án du lịch, nhìn từ góc độ chuyên môn của mình, quý vị thấy những năm qua, mục tiêu đó thực hiện được đến đâu?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Quan điểm phát triển du lịch bền vững, đã được khẳng định trong luật du lịch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, các địa phương khi xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch hay chương trình hành động, đều phải tuân thủ theo các nguyên tắc này.

Trong những năm vừa qua, du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh. Là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trong khu vực cũng như trên thế giới.

Năm 2015 tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 7,8 triệu, đến năm 2018 đạt 15,6 triệu, tức là tăng gấp đôi. Lượng khách du lịch nội địa tăng  hơn 80 triệu lượt/ năm.

Với tốc độ tăng trưởng, số lượng khách như vậy, cũng ảnh hưởng đến những yếu tố phát triển bền vững, môi trường.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Trước hết, về kinh tế, tăng trưởng mạnh, đạt được nhiều kết quả về lượng khách, doanh thu.

Mặt chưa được ở đây, thể hiện rõ nhất  là những nơi có hấp dẫn du lịch, thì đầu tư thiếu quy hoạch bài bản, thiếu một cách nhìn, mà người ta chỉ biết đó là cảnh quan đẹp, thu hút lợi ích thì họ phát triển.

Như Hà Giang, cảnh quan rất đẹp, nhưng chúng ta xây dựng như thế sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Tức là, chúng ta thiếu sự gắn kết như thế nào đó, thiếu sự hài hòa giữa du lịch, nó biểu hiện những yếu tố không bền vững trong lĩnh vực môi trường.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

TS. Đặng Hoàng Giang: Những con số mà bà Hương đưa ra khá ấn tượng. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn khoảng 3 năm, nhưng lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng gần gấp đôi.

Bức tranh của Việt Nam nằm trong tổng thể phát triển du lịch của cả thế giới, tức là trên toàn cầu. Lượng du khách cũng tăng mạnh, đến từ hai nguồn:

Thứ nhất, mức sống của người dân tăng lên.

Thứ hai, các hãng hàng không giá rẻ đem lại chi phí thấp, nên khả năng đi lại cao.

Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý việc tăng trưởng nóng và phát triển lành mạnh. Đã nóng sốt thì bao giờ cũng có hại.

Tôi cho rằng, chúng ta đang đứng trước sự phát triển bị "sốt", đặc biệt là ngành du lịch. Đến bây giờ chúng ta đã thấy, khá nhiều quốc gia, thành phố, các địa điểm du lịch ấn tượng nhất trên thế giới đang rên xiết, kêu cứu trước con số khách du lịch quá nhiều . Họ đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để giảm thiểu khách du lịch. Một cách mà chúng ta khó hình dung được. Và chúng ta nghĩ, du lịch xanh sạch đẹp, không khói, dẫn đến tăng trưởng kinh tế, nhưng một số nơi ở Thái Lan, họ lại bắt đầu giảm thiểu. Đó là những bài học mà chúng ta cần phải học trước khi quá muộn.

Nếu nhìn lại thực tại ở Việt Nam trong những năm qua, thì tác hại, tác động của ngành du lịch, ngoài việc tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế, nó đã ảnh hưởng đến môi trường.

MC Mỹ Hạnh: Một điều dễ nhận thấy là có địa phương phát triển một cách ồ ạt, hạ tầng không theo kịp, có khi làm biến dạng cả những đặc điểm riêng vốn có của điểm du lịch đó, nhưng cũng có nhiều nơi, dù tiềm năng lớn nhưng hạ tầng cho du lịch lại không đáng kể, điều này gợi cho chúng ta những điều gì đáng để suy nghĩ?

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Hiện nay, đa số các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đều có quy hoạch phát triển du lịch. Trong quy hoạch phát triển du lịch, chia ra các phân khu chức năng. Những khu vực nào cần bảo tồn như:  các tài nguyên du lịch, (tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, di sản) và các phân khu chức năng, để xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ cho khách du lịch.

Trong những quy hoạch này, người ta cũng quy định, kiến trúc công trình xây dựng phải hài hòa, phù hợp cảnh quan môi trường.

Tuy nhiên, có hai vấn đề. Thứ nhất, chất lượng quy hoạch ở một số nơi chưa thực sự tốt.

Thứ hai, việc quản lý quy hoạch. Có những quy hoạch tốt, nhưng không được tuân thủ và công tác quản lý buông lỏng khi xây dựng tự phát, phá vỡ cảnh quan môi trường.

Để giải quyết hậu quả, sẽ tốn rất nhiều nguồn lực xã hội, thời gian. Vì thế đầu tiên, phải nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tuân thủ nghiêm minh các quy hoạch đã được phê duyệt.

Cho đến ở một số các khu vực, tài nguyên du lịch hấp dẫn, đẹp, tuy nhiên cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, nên chưa thú hút được nhiều khách du lịch.

Vì vậy trước tiên, các cơ quan nhà nước phải xây dựng theo quy hoạch, giảm thiểu việc xây dựng ồ ạt, sẽ gây hậu quả sau này rất khó xử lý.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, phải có sự đỡ đầu bằng cách xây dựng các cơ sở hạ tầng, như giao thông, điện, nước, viễn thông…Còn việc xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật, sẽ do các doanh nghiệp, cũng như tổ chức cá nhân, nhân dân tham gia, để xây dựng và kinh doanh các dịch vụ du lịch.

TS. Đặng Hoàng Giang: Theo tôi, ở đây có hai hướng mà chúng ta cần phải tránh.

Thứ nhất, chúng ta không nên cho phát triển một cách ồ ạt, nghĩa là người dân ai muốn xây gì thì xây, xây bao nhiêu cũng được, chiều cao thấp không được kiểm soát…đó là cách không có quy hoạch hoặc có quy hoạch, nhưng khi triển khai không được thực hiện theo quy hoạch.

Cách thứ hai cũng nguy hiểm không kém, tức chúng ta trao cho một doanh nghiệp lớn nào đó, tập đoàn nào đó, xây lên những tòa nhà khổng lồ, những dự án lớn, sức phá hủy cũng tương tự như vậy và cũng đi trái với quy hoạch, trái với tất cả chuyện bảo tồn di sản khác. Cả hai hướng đó đều có hại.

Cách phát triển hạ tầng tốt nhất, chúng ta có sự tham gia của các nhà chuyên môn, và lúc đó, chúng ta cần có một nhà nước pháp quyền thực sự kiểm soát chặt chẽ, xử phạt những vi phạm đó.

MC Mỹ Hạnh: Vấn đề cũng gây tranh cãi không kém, đó là nếu như không đầu tư hạ tầng, thì cảnh quanh có đẹp đến mấy thì vẫn chỉ là công chúa ngủ trong rừng, không mang lại điều gì đáng kể,  nhưng nếu đầu tư quá ồ ạt, không được quy hoạch, kiểm soát tốt, thì lại phá vỡ cảnh quan tài nguyên vô giá, các vị khách thấy thực trạng này thời gian qua có những biểu hiện nào đáng được cảnh báo?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Du lịch là một ngành kinh tế, nó phải hoạt động, vận hành theo nguyên tắc thị trường. Tức có cầu thi sẽ có cung.

Khi khách du lịch có nhu cầu đến tham quan du lịch một điểm nào đó, tự phát là họ sẽ tự xây các cơ sở dịch vụ để cũng cấp dịch vụ cho khách du lịch. Còn về phía nhà nước, cần có sự quản lý.

Tôi hoàn toàn nhất trí với việc phải có quy hoạch, có sự kiểm soát, để không diễn ra cảnh xây dựng ồ ạt, phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng môi trường. Và việc này chỉ có thể làm được, nếu như có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, chúng ta phải có sự rút kinh nghiệm đến một số địa phương mà hiện nay đã có quy hoạch rồi, nhưng không xây dựng quy hoạch. Nó ảnh hưởng hoàn toàn đến đời sống kinh tế xã hội của nhân dân địa phương, cũng như sản phẩm du lịch.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Trước hết để trả lời biểu hiện, thì có mấy biểu hiện sau mà tôi thấy Việt Nam cần xem xét.

Ở Đà Lạt,có một bài viết mà nhà báo rất trăn trở về việc ngày xưa có những cây thông xen vào khách sạn, với khói sương mù phủ lên, nhưng bây giờ đã mất những cái đó vì một hệ thống nhà cửa, đường sá quá nhiều, so với tỷ lệ của thông và rừng. Cho nên chúng ta đã làm mất đi cái vốn có của nó.

Tôi cho rằng, có lẽ nên sửa những điểm mới. Bây giờ đã có luật quy hoạch và hạ tầng du lịch cũng không đơn giản chỉ là đường, khách sạn, mà hiện nay người ta phát triển theo hướng hạ tầng thông minh để tích hợp, nhằm giải quyết giữa hạ tầng đó, với duy trì cảnh quan thiên nhiên. Tuy theo mỗi vị trí, để cảnh quan thiên nhiên ấy không chỉ không bị phá vỡ, mà nhờ du lịch  để tôn vinh lên. Đó mới là bài toán khó, mới là bền vững, lâu dài, và thu hút càng nhiều khách du lịch.

{keywords}
TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES).

MC Mỹ Hạnh:  TS. Đặng Hoàng Giang, anh có thể nêu lên những cách làm, mà một số nước trên thế giới họ đã làm thành công trong việc phát triển du lịch, nhưng hài hòa với khả năng của điểm đến, cũng như hạ tầng mà chúng ta có thể học hỏi?

TS. Đặng Hoàng Giang: Qua trải nghiệm của tôi ở các nước phát triển, có hai điểm chính mà họ khác chúng ta hoặc chúng ta khác họ là, di sản, bờ biển, bờ sông, núi…thuộc về tài sản công. Tức, người dân bình thường, người nội trợ cần được tiếp cận với chi phí nhỏ nhất. Ví dụ ở đây là bờ biển, công viên, hay rừng quốc gia. Chứ không thể quây rừng quốc gia lại, phát triển lên, cho doạnh nghiệp nào đó vào khai thác  và sau đó bán  giá rất đắt. Đây là cách mà các nước phát triển họ làm để bảo vệ tài sản công, để cho người dân bình thường có thể tiếp cận được.

Cách thứ hai, họ không bị cuốn theo lòng tham, để tận thu. Lòng tham thì chúng ta đang làm hại chúng ta, vì chúng ta có thể thu rất tốt trong vòng 30 năm, nhưng sau đó mọi thứ xuống cấp và không ai đến nữa.

MC Mỹ Hạnh:  Tại một số nước, ngay cả ở một số điểm du lịch, tuy công trình nhân tạo người ta cũng hạn chế một cách nhất định, theo kiểu một ngày chỉ một số du khách được vào, nhưng ở nước ta, hình như mới chỉ có Sơn Đoòng thực hiện việc này, đây có phải là thách thức cho các điểm du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch thiên nhiên?

TS. Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ đây là một biện pháp cần thiết để chúng ta phát triển du lịch bền vững theo đúng ý nghĩa của nó. Việc có bao nhiêu du khách được vào trong vòng bao nhiêu năm, mùa nào được vào, mùa nào cây cối, thú vật sinh sản thì không được vào…đó là câu chuyện của các nhà chuyện môn. Nhưng việc có giới hạn dựa vào những chứng cứ khoa học, là chuyện cần thiết. Chúng ta cần dựa theo để làm quy hoạch. 

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Câu chuyện này về lý thuyết chúng tôi đã có những nghiên cứu. Mỗi điểm, nó có một sức chứa, bởi nó giới hạn về không gian, giới hạn về tài nguyên, nên chúng ta phát triển đến mức độ cho phép thì chúng ta dừng đến đó.

Chính vì vậy, rất cần những nhà khoa học, nhà chuyên môn vào cuộc để người ta đưa ra một mức như thế. Từ đó, người ta đưa sản phẩm ra thị trường. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Mỗi một điểm đến có một sức chứa nhất định. Tổng cục du lịch đã có một số nghiên cứu, để nêu ra sức chứa (ở điểm du lịch thiên nhiên, bãi biển).

Khi chúng ta có sự phát triển ở giai đoạn đầu, vấn đề sức chứa chưa trở thành cấp bách, nhưng khi phát triển đến ngưỡng nào đó, vấn đề này lại đặt ra rất nghiêm túc để xem xét.

Chúng ta rất muốn có nhiều khách du lịch đến, nhưng có những thời điểm cũng phải có hạn chế, để vừa đảm bảo quyền lợi của khách du lịch không bị đắt đỏ, bị chặt chém, vừa đảm bảo môi trường không bị quá tải, áp lực quá lớn.

VietNamNet