Nhiều năm nay, bà Kim Thoa CEO Tân Việt Books - “người truyền lửa của văn hóa đọc” ở Việt Nam luôn mong muốn mang tri thức đi muôn nơi và đánh thức ham muốn đọc sách của mọi đối tượng. Bà tâm niệm rằng phát triển văn hóa đọc chính là phát triển nguồn lực của quốc gia.
- Là người thường xuyên tham gia thực hiện công tác khuyến đọc trên cả nước, theo bà văn hóa đọc có liên quan như thế nào đến nguồn lực của một quốc gia?
Cốt lõi của một quốc gia chính là con người. Sự thành bại của một dân tộc cũng do con người quyết định. Văn hóa đọc chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến trí tuệ của con người, bởi nó tác động đến nhận thức, tư duy, giải pháp và sự sáng tạo của con người trong quốc gia đó.
Trong sách có rất nhiều kinh nghiệm, triết lý, bài học và ý tưởng sáng tạo của thế hệ đi trước. Đọc sách là chúng ta được tiếp cận với những bộ óc vĩ đại, kinh nghiệm thâm niên, tuyệt vời mà ở đó độc giả có thể học hỏi, vận dụng với thực tế của mình. Đọc cũng là một cách học chủ động, một cách phát triển năng lực con người. Vì vậy có thể nói phát triển văn hóa đọc là phát triển nguồn lực của mỗi quốc gia.
- Nói đến khái niệm “nguồn lực” là nói tới “sức mạnh nội tại”. Vậy văn hóa đọc đóng vai trò gì đối với việc thúc đẩy sức mạnh nội tại đó?
Mỗi con người sinh ra bao gồm phần thể chất và tinh thần. Trong đó, tinh thần quyết định thể xác, nội tại tạo nên sức mạnh con người, suy nghĩ bên trong quyết định sức mạnh bên ngoài.
Đọc sách ngoài việc cung cấp tri thức, còn giúp nâng cao lòng dũng cảm, kiên trì, vượt khó. Bởi khi đọc, ta sẽ được tiếp cận với nhiều câu chuyện về những người thành công, nổi tiếng, họ đã có ý chí vượt qua hoàn cảnh khó khăn để hiện thực hóa được ước mơ của mình.
Chúng ta có thể bắt gặp tinh thần đó nếu đọc các cuốn như: Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách, Đánh thức con người phi thường trong bạn, Triết lí sống của Mã Vân, Bí mật tư duy triệu phú, Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm, Nghĩ giàu làm giàu… hay những tác phẩm của chính trị gia Hồ Chí Minh, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, George Bush, Abraham Lincoln, tỷ phú Bill Gates, Steve Jobs…
Tôi muốn nói rằng để có được kết quả tốt, cần nuôi dưỡng suy nghĩ từ bên trong và việc đọc sách sẽ giúp làm giàu suy nghĩ, ý tưởng và nuôi dưỡng tinh thần, sức mạnh nội tại của con người.
- Tham gia vào nhiều hoạt động khuyến đọc trên cả nước, bà nhận thấy bức tranh toàn cảnh của văn hóa đọc ở Việt Nam đang trong tình trạng như thế nào?
Theo số liệu năm 2019 từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, Hàn Quốc - một quốc gia chỉ có dân số 52 triệu người (trong khi dân số Việt Nam là gần 100 triệu) - nhưng doanh thu ngành xuất bản của Hàn Quốc đạt 52 tỷ USD, trong khi doanh thu của ngành sách trong nước chỉ đạt 2.775 tỷ đồng.
Con số này đã nói lên sự chênh lệch về tỷ lệ đọc sách của người dân ở hai quốc gia. Nhưng câu trả lời về bức tranh toàn cảnh văn hóa đọc ở Việt Nam tôi muốn dành cho bạn đọc. Bạn đọc hãy nhìn vào những số liệu biết nói trên và sẽ tự rút ra câu trả lời cho chính mình.
Căn cứ vào những giá trị và lợi ích của việc đọc, tôi nhận thấy mỗi gia đình, nhà trường, cá nhân cần phải có sự quan tâm, chú ý hơn nữa cho hoạt động này. Mỗi người nếu ý thức được vai trò của việc đọc sẽ tạo nên một cộng đồng ham đọc sách. Đọc sách sẽ góp phần hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi người. Qua mỗi trang sách, chúng ta sẽ lượm nhặt được nhiều kết quả, giá trị tốt đẹp.
- Văn hóa đọc nước ta chưa thực sự phát triển. Vậy theo bà, đâu là những giải pháp thiết thực cho sự phát triển của văn hóa đọc?
Vai trò của gia đình rất quan trọng và đặc biệt là giai đoạn giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non. Điều đầu tiên là phải tác động vào nhận thức để mọi người thấy được ngoài việc học ở nhà trường cần có những hoạt động đọc sách ngoài giờ. Trong gia đình, cha mẹ nên chú ý định hướng cho con đọc sách từ nhỏ, đặc biệt là khi con trong độ tuổi từ 0 đến 6. Đây là giai đoạn vàng để phát triển và định hình tính cách, trí tuệ ở trẻ.
Đọc là một hoạt động nhỏ nhưng vĩ đại vô cùng, chỉ cần cha mẹ chú ý và coi đó là một hoạt động hàng ngày thì sẽ thay đổi được rất nhiều. Cha mẹ nên dành thời gian đọc sách cùng con và nên chuẩn bị thật nhiều sách để sẵn ở trong nhà để khi có chút thời gian là chúng ta có thể tranh thủ đọc được luôn.
Yếu tố quan trọng thứ hai là phải hành động. Tùy điều kiện kinh tế, mỗi gia đình nên có những tủ sách nhỏ ở trong nhà.
Thứ ba, cần đặt ra mục tiêu đọc, làm sao để trong một năm, mỗi người có thể đọc ít nhất 10 cuốn (trừ sách giáo khoa, giáo trình). Với lứa tuổi học sinh, cần đọc theo sở thích và chủ đề quan tâm. Trẻ em có thể đọc nhiều hơn vì sách thiếu nhi thường tranh nhiều, chữ ít. Hoạt động đọc phải được duy trì liên tục, thường xuyên trong một khoảng thời gian cố định để hình thành thói quen. Khi đọc một cuốn sách hay nên chia sẻ cho người khác để cùng nhau lan tỏa, truyền cảm hứng về văn hóa đọc.
Cuối cùng, để văn hóa đọc thực sự khởi sắc, cần có sự quan tâm, đầu tư cả về tài chính và tinh thần, nguồn lực của các cấp lãnh đạo cho các hoạt động của văn hóa đọc. Muốn phát triển thì nhà nước cần đầu tư, từ đó người dân sẽ nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết và giá trị của việc đọc.
- Khi văn hóa đọc phát triển rồi, bà có tin rằng Việt Nam sẽ có những bước tiến lớn trong tương lai?
Chắc chắn rồi, vì phát triển văn hóa đọc chính là phát triển con người, nó tác động trực tiếp đến trí tuệ của con người. Bạn hãy nhìn xem, Israel là một quốc gia không có tài nguyên khoáng sản như nhiều mảnh đất màu mỡ khác nhưng họ lại trở thành đất nước phát triển vì đã biết biến những sa mạc thành cánh đồng và có những khu vườn trồng cây cối bằng công nghệ. Thiên nhiên không ban cho Israel điều kiện tự nhiên thuận lợi như các quốc gia khác, tất cả những thành tựu mà họ có được là nhờ trí tuệ con người.
Đây cũng là một quốc gia rất chú trọng phát triển giáo dục, tư duy ở con người. Nếu Việt Nam chúng ta cũng có những chủ trương, chính sách và hành động cụ thể cho việc phát triển văn hóa đọc hơn nữa, tôi tin trong tương lai không xa, chúng ta cũng có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.