Xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân thống nhất toàn quốc

Ngày 3/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1368 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân”.

Dự án có cơ quan chủ quản là Bộ Công an và chủ đầu tư là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an.

{keywords}
Dự án "Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân" cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký Căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng CNTT giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Dự án cũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Về quy mô, dự án dự kiến sẽ xây dựng hệ thống Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an, bao gồm: Đầu tư phần cứng (hệ thống nhận dạng sinh trắc học, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị lưu trữ, thiết bị bảo mật); Đầu tư phần mềm (phần mềm thương mại, phần mềm ứng dụng); Dịch vụ đào tạo, triển khai thiết lập hạ tầng.

Có địa điểm đầu tư là Bộ Công an; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự án “Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân” có tổng mức đầu tư 2.696 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ 2020 đến 2022.

Thủ tướng giao Bộ Công an căn cứ chủ trương đầu tư và báo cáo thẩm định của Bộ KH&ĐT để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi; thực hiện chặt chẽ các quy trình quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu báo cáo, sự cần thiết triển khai dự án này.

Bộ Công an cũng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT tiến hành khảo sát, lựa chọn giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại, bảo đảm hiệu quả tối ưu về kinh tế, kỹ thuật và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Đồng thời, tổ chức thực hiện dự án theo quy định, đạt mục tiêu dự án; đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phòng ngừa thất thoát, lãng phí.

Trong quá trình thiết kế chi tiết, Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT thực hiện rà soát, tận dụng tối đa các nền tảng kỹ thuật công nghệ, hạ tầng dùng chung, nhất là với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cập nhật các chính sách, đơn giá để điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an bố trí đủ vốn theo phân kỳ đầu tư của dự án.

Thẻ Căn cước công dân Việt Nam sẽ được gắn chip điện tử

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, chiều ngày 3/9, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án “Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân”.

Tại cuộc họp, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, hiện nay, Bộ Công an đang gấp rút hoàn thiện cơ sở pháp lý, đã sửa các nội dung liên quan về cư trú tại 5 Luật và đưa các nội dung này vào Luật Cư trú sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, tháng 11/2020). Đồng thời, sửa đổi 2 Nghị định, 12 Thông tư liên quan đến cư trú và Luật Căn cước công dân; xây dựng dự thảo lần 1 và xin ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan về quy trình quản trị vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn nhằm đảm bảo về nguồn nhân lực thực hiện dự án, thủ tục pháp lý trong đầu tư xây dựng và thống nhất với các Bộ, ngành về nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với dự án “Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân”, theo đại diện Bộ Công an, dự án sẽ được triển khai đồng bộ, song hành với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mục tiêu dự kiến sẽ bấm nút vận hành 2 hệ thống này cùng một thời điểm trong đầu năm 2021.

Bộ Công an sẽ hợp nhất Ban Chỉ đạo triển khai 2 dự án và bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo để đảm bảo yêu cầu phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cũng cho hay, trong phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, vật lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiến hành các công việc đáp ứng yêu cầu đề ra, theo lộ trình đã được phê duyệt, đảm bảo tốt về cơ sở hạ tầng và an ninh, an toàn thông tin cho thiết bị dự án. Đặc biệt, các đơn vị cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về 2 dự án để người dân hiểu được rõ những lợi ích mang lại trong việc sử dụng Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia về dân cư và thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Vân Anh

Kết nối hệ thống Căn cước công dân với CSDL quốc gia dân cư trong quý IV/2020

Kết nối hệ thống Căn cước công dân với CSDL quốc gia dân cư trong quý IV/2020

Trong quý IV/2020, việc kết nối hệ thống Căn cước công dân, các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành đã xây dựng xong với hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ được hoàn thành.