Ông nói, hồi còn ở tỉnh, ông chỉ chỗ đất này là khu công nghiệp thì là khu công nghiệp, chỉ chỗ đất kia là khu đô thị thì là khu đô thị. Tất nhiên, “cái chỉ tay đó” còn cần được thông qua ở các cơ quan nhà nước liên quan, nhưng nó cho thấy quyền của ông đối với đất đai lớn đến như thế nào. “Đất nhiều, giá (đền bù) rẻ, lại không có quy hoạch nên “lấy” rất dễ”, ông nói.
Trong câu chuyện, ông cũng bày tỏ tâm tư, nếu hồi đó làm căng như bây giờ, thì chưa biết như thế nào…
Có lẽ, đây không phải là nỗi niềm, tâm tư riêng của vị quan chức đã về hưu. Những vụ án liên quan đến đất đai ngày càng nhiều lên, có cả cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và trung ương mà dưới đây là một vài vụ điển hình.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra những sai phạm trong một dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn.
Ở Thanh Hóa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Đình Xứng, giám đốc sở và 2 bí thư huyện ủy bị khởi tố vì liên quan đến đất đai trong vụ Hạc Thành Tower.
Ở Khánh Hòa, hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh là các ông Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng bị xử lý vì sai phạm trong quản lý đất đai.
Ở tỉnh Bình Dương, cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch tỉnh Trần Thanh Liêm bị tòa tuyên phạt tù cũng vì tội liên quan đến quản lý đất đai.
Còn ở Phú Yên, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự bị khởi tố để điều tra với cáo buộc ưu ái giao thửa đất vàng không qua đấu giá.
Còn rất nhiều các vụ án liên quan đến đất đai đối với cán bộ địa phương cấp thấp hơn, nhiều vụ liên quan đến trách nhiệm của cả tập thể. Đa số đều vướng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong Bộ Luật hình sự.
Phải khẳng định, sai phạm của các vụ án là rõ ràng và việc xử lý những vụ án đó thể hiện quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Dư luận nhân dân rất quan tâm, ủng hộ nỗ lực của Đảng, Nhà nước trước thực trạng tài sản, nguồn lực quốc gia bị hao mòn, thất thoát.
Thể chế đất đai phức tạp
Tuy nhiên, cũng cần đặt ra câu hỏi, vì sao có quá nhiều vụ án liên quan đến đất đai mà có người không rút ra được bài học, vẫn tiếp tục “dính chàm”?
Câu trả lời dễ dàng nhất là lòng tham ở những cán bộ đã suy thoái. Họ tạo cơ hội cho doanh nghiệp sân sau, biến của công thành của ông.
Ở góc độ khác rộng lớn hơn là thể chế đất đai quá rối rắm, phức tạp. Đất đai và bất động sản chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư…, trong đó có nhiều quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ, mâu thuẫn nhau. Tình trạng này trở nên phức tạp hơn nhiều ở cấp nghị định, thông tư.
Những yếu tố này, cộng với việc thiếu các quy chế giám sát công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đã tạo ra những kẽ hở để người có chức vụ có thể “lợi dụng” bắt tay với doanh nghiệp trục lợi, thông đồng, là mảnh đất cho tham nhũng phát triển. Vì thế, thị trường đất đai không phát triển lành mạnh; nguồn lực đất đai bị trực lợi bởi một số cá nhân, tổ chức và Nhà nước và người dân đều thua thiệt.
Theo Hiến pháp 2013 và luật hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước đại diện quản lý. Hay nói một cách đơn giản, các lãnh đạo như trong các vụ án kể trên vừa được giao làm đại diện chủ sở hữu toàn dân, vừa có quyền quản lý đất đai. Họ được trao quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyết định giá đất, thu hồi đất, có quyền cưỡng chế thu hồi đất...
Chuyên gia Đặng Hùng Võ từng phân tích, do chế độ sở hữu đất đai thuộc toàn dân nên toàn bộ đất đai đều là tài sản công, không phân biệt được khái niệm “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác.
Cơ chế vừa đá bóng, vừa thổi còi này dẫn đến tình trạng, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí không tuân thủ pháp luật, mà khi các cơ quan chức năng vào thanh tra, kiểm tra thì bao giờ cũng phát hiện ra sai phạm.
Tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, một số quy định của pháp luật về giá đất đã không còn hiệu quả trong thực tiễn, bộc lộ một số hạn chế như một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp với điều kiện thực tế về thông tin thị trường quyền sử dụng đất, chưa phù hợp với công tác quản lý nhà nước về giá đất trong bối cảnh chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá đất.
Bên cạnh đó, quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau khiến địa phương lúng túng trong lựa chọn.
Việc phân cấp, phân quyền trong xác định giá đất chưa phù hợp, chưa đồng bộ với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất... dẫn đến công việc định giá đất cụ thể tập trung vào các cơ quan cấp tỉnh. Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Ngân hàng Thế giới từng đưa ra cảnh báo, việc phân bổ đất đai dựa vào các quyết định hành chính, ít phù hợp với tín hiệu thị trường và lại qua vận động chính sách của các nhóm lợi ích có thể dẫn đến tình trạng thiết chế công bị “thương mại hóa”.
Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ giúp xử lý những lỗi này để làm cho nguồn lực đất đai được phân bổ và sử dụng hiệu quả, vừa hạn chế được các vụ án đất đai, vừa tạo động lực cho phát triển đất nước.
Tư Giang