Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng lần sửa đổi luật lần này cần có một tư duy mới, bởi quản lý tài nguyên nước không chỉ là một ngành mà còn là đa ngành, tổng hợp.
Không có nước, xót xa lắm khi mùa hạn đất bỏ không
So với thế giới, Việt Nam có tài nguyên nước nhiều, phong phú nhưng phân bố không đều về lãnh thổ và thời gian. Dẫn chứng khi còn làm Bí thư tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Khắc Định kể, mùa mưa ở Khánh Hòa thì quá nhiều nước, thừa hàng tỷ m3 nhưng đến mùa hạn lại thiếu "mùa hạn đất bỏ không nhiều, xót xa lắm”.
Ngoài ra còn tình trạng khai thác quá mức và ô nhiễm nghiêm trọng, sự tái tạo sử dụng lại nước chưa được nhiều. “Một ngày bao nhiêu triệu m3 nước thải ra, nếu có thể áp dụng công nghệ để tái sử dụng thì rất tốt thay vì phải khoan, đục tạo ra nguồn nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đặt ra những vấn đề này khi sửa đổi luật.
Ông khẳng định, “nước không phải trời cho không, là một thứ tài sản, thứ hàng hóa rất có giá trị và càng ngày càng có giá trị”. Từ đây cần đặt ra trách nhiệm của Nhà nước trong điều tiết nước, “điều tiết nước như điều tiết điện”, “nước là hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải trả tiền”, “tài nguyên nước là một ngành kinh tế thu lãi lớn”.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nói đến vai trò của nước tác động trực tiếp và gián tiếp đến con người qua sản xuất nông nghiệp.
“Chúng ta không phải là quốc gia thừa nước, mà là bị lệ thuộc vào nước. Trong đó 2/3 nước là ngoại sinh, nước nội sinh rất ít và phải chịu nhiều biến động”, Bộ trưởng phân tích và nhận định, vấn đề tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước có vai trò quan trọng khi xây dựng dự thảo luật.
Bộ trưởng cho biết, các nước đã biến nước biển thành nước ngọt, ở Israel một giọt nước sử dụng 3 lần, kể cả với nước sinh hoạt do con người thải ra. Israel đã xuất khẩu “công nghệ tưới nhỏ giọt”.
Từ thực tiễn này, Bộ trưởng cho rằng khoa học công nghệ về nước có vai trò quan trọng không kém gì việc bảo vệ tài nguyên nước. “Thế kỷ này được gọi là thế kỷ khô hạn, kỷ nguyên khô hạn với biến đổi khí hậu. Trước yêu cầu đó, người ta bắt đầu phát kiến ra những công nghệ xử lý nước thải, lọc nước biển để chủ động tạo ra nguồn nước ngọt”, Bộ trưởng đề nghị dự thảo luật cần chú ý đến công nghệ về nước.
Hiện nay “nước đã không còn mênh mông nữa rồi, nếu có mênh mông cũng không đạt chuẩn nữa”, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hâu và nước ta lệ thuộc từ nguồn sinh thủy bên ngoài vào. Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho rằng cần làm sao tạo ra đa chức năng, đa giá trị từ tài nguyên nước để có nguồn lực tái tạo, phát huy giá trị của nước tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội.
Ở Hà Lan có một bộ quản lý về nước độc lập, bởi nước tác động nhiều ngành nghề, hoạt động. Theo Bộ trưởng, cần có cái nhìn về nước nhiều chiều hơn.
Để 'nước có giá' chứ không 'rẻ như cho'
Nói về ô nhiễm nguồn nước, ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho rằng nếu không có hành động can thiệp thì nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có mối đe dọa.
Ô nhiễm cao còn hạn chế sự phát triển bền vững và tương lai của ngành công nghiệp, nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4-18,6 triệu USD mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030.
2 siêu đô thị Hà Nội và TP.HCM có nhiều con sông, kênh rạch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù đã có nhiều công trình, dự án được nghiên cứu, đề xuất để giải quyết nhưng đến nay đều chậm thực hiện, gây bức xúc lớn trong nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường sống, đầu tư...
ĐB đặt vấn đề "có nên có một nội dung, hoặc một chương, hay điều, khoản nào đó để quy định về vấn đề tài nguyên nước ở các đô thị này".
ĐB cũng đề nghị rà soát kỹ lại quy định có liên quan đến thuế, phí, lệ phí hiện hành, nhằm vừa có nguồn thu, vừa tạo nguồn lực để thực hiện hoạt động quản trị tài nguyên nước. Theo ĐB, xã hội hóa ngành nước để “nước có giá” chứ không còn “rẻ như cho” nữa, từ đó khuyến khích sử dụng nước có trách nhiệm, tiết kiệm.
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh chia sẻ: "Chúng ta là một quốc gia có lợi thế về tài nguyên nước, tuy nhiên quá trình sử dụng còn chưa hiệu quả. Do đó cần có khung pháp lý đảm bảo cho an ninh nguồn nước, điều tiết nước, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu".
Mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa thì lụt lội, Bộ trưởng cho rằng, nguồn nước của nước ta không có sự ổn định giữa các mùa, bài toán đặt ra là sử dụng, giữ nguồn nước thế nào? công trình thủy lợi thế nào? giữ sinh thủy ra sao?...
Bộ trưởng nhấn mạnh, "nước là hàng hóa, tài sản quý giá và phải bảo vệ, sử dụng, điều tiết hài hòa, hợp lý".