Thông điệp trên được Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại Hội nghị “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều 20/10 tại Đắk Lắk.

Điều hành tỷ giá là nhiệm vụ quan trọng của NHNN

Khẳng định lại vai trò của NHNN là không để xảy ra lạm phát và giữ ổn định tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, một số quốc gia lạm phát rất cao, nếu chúng ta rơi vào tình trạng đó thì đời sống của người dân sẽ vất vả vô cùng. 

Thời gian tới NHNN vẫn sẽ kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, tỷ giá dù có thể lên xuống nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép.

“Một số ý kiến cho rằng tỷ giá nhảy múa, nhưng thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá”, ông Tú nói, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hãy tin tưởng NHNN sẽ điều hành tỷ giá ở mức ổn định. 

Tại thời điểm sáng 20/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 4 đồng, hiện ở mức 24.100 đồng.

Tại Vietcombank, tỷ giá mua vào là 24.340 đồng, bán ra 24.340 đồng 24.710 đồng/USD. 

Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,31%, xuống mốc 106,25.

W-dsc-0847-1.jpg
Ảnh minh hoạ (Hoàng Hà).

Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay

Đại diện NHHN cho rằng nền kinh tế của Việt Nam chưa lớn nhưng độ mở lại rất lớn, nên những tác động khách quan từ bên ngoài khiến chúng ta gặp khó khăn trong cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên vật liệu.

Nhiều doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng, không bán được hàng dẫn đến tồn kho gia tăng. 

“Chưa có năm nào sự vật lộn với những khó khăn đó của chúng ta lại vất vả như những tháng đầu năm nay. Trước hết cần tạo sự ổn định để đảm bảo đời sống của người dân, sau đó là ổn định sản xuất để đảm bảo tăng trưởng, tạo công ăn việc làm”, Phó Thống đốc nói.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành vừa phải giải quyết những khó khăn cũ, vừa phải giải quyết những khó khăn mới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã có sự vươn lên mạnh mẽ, khả năng thích ứng linh hoạt để có thể chống chịu được trước những khó khăn, đó cũng là động lực để phát triển kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thực trạng hiện nay doanh nghiệp nói thiếu vốn, ngân hàng nói thừa vốn. Để giải quyết được tình trạng này không thể giải quyết được ngay lập tức. 

Đây là câu chuyện thị trường, nhưng nếu để thành trào lưu thì lại là câu chuyện của chính sách. Ngược lại, nếu ngân hàng cho vay ồ ạt sẽ dẫn đến đổ vỡ ngân hàng. Một số ngân hàng hoạt động không đảm bảo an toàn trong quá khứ như OceanBank, GPBank, CBBank, gần đây là SCB đều là hệ quả của việc hoạt động không đảm bảo an toàn. 

bidv-dak-lak4-1.jpg
Khách hàng giao dịch tại BIDV Chi nhánh Đắk Lắk.

Từ đầu năm 2023, NHNN đã tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp như hạ lãi suất điều hành, qua đó tác động giá vốn của ngân hàng thương mại, chỉ đạo ngân hàng thương mại giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn không trả được nợ. Những chính sách này được đánh giá có hiệu quả và thiết thực cho doanh nghiệp.

NHNN cũng đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ cho vay thuận tiện, chẳng hạn như cho vay online, huy động online. Những việc này trước đây các ngân hàng thương mại không dám làm, nhưng nay đã hoàn thiện pháp lý cho phép triển khai.

Bên cạnh đó, NHNN cũng nghiêm cấm bắt ép khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân, bởi đây là vi phạm quy định về kinh doanh bảo hiểm.

Khẳng định mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng, ông Tú nói: “Không có doanh nghiệp thì ngân hàng sống với ai? Ngân hàng không cho vay thì lấy đâu doanh số, lợi nhuận? Nên bằng mọi cách phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.”

Lương Bằng và nhóm PV, BTV