Xem xét để doanh nghiệp không “sốc” chính sách
Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng đặt ra tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Công an, TP. Hà Nội, TP.HCM, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp,... về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhất là đối với các công trình xây dựng, diễn ra ngày 10/5.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD), vướng mắc lớn nhất hiện nay là vi phạm về PCCC của các công trình hiện hữu, đang hoạt động, trong đó có những vi phạm nguyên tắc an toàn cháy cơ bản, nhưng không dễ khắc phục, giải quyết ngay.
Theo thống kê chưa chính thức từ Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, có khoảng gần 40.000 công trình trên cả nước có tồn tại về PCCC.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nêu thực tế, khi siết lại công tác quản lý PCCC sẽ bộc lộ nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, trong đó nhiều vi phạm của chủ đầu tư, doanh nghiệp ở tình trạng "sự đã rồi". Thậm chí, có công trình không tuân thủ bất kỳ quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng doanh nghiệp vẫn kiến nghị được hoạt động mà không có biện pháp khắc phục.
Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Nguyễn Đỗ Tùng Cương đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó có việc xử lý tình trạng "sốc" chính sách của các doanh nghiệp khi trong vòng 18 tháng, Bộ Xây dựng đã có 3 lần thay đổi Quy chuẩn về PCCC áp dụng cho nhà ở và công trình được ban hành.
“Với quy chuẩn tiêu chuẩn mới sẽ được soạn thảo, ban hành trong thời gian tới có yêu cầu cao hơn, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc và có lộ trình để các doanh nghiệp có thể áp dụng. Mặc dù trong báo cáo của các bộ, ban ngành có nêu các quy chuẩn, tiêu chuẩn... có tính đến lộ trình, nhưng cần xem xét xem lộ trình đã đủ để các doanh nghiệp được phổ biến và áp dụng chưa?” - ông Cương bày tỏ.
Gỡ vướng nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, hợp thức hoá sai phạm
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng những năm qua công tác PCCC ngày càng được quan tâm với các nghị định, thông tư, hướng dẫn bài bản của các bộ, ngành, bộ máy tổ chức thực hiện được kiện toàn.
Tuy nhiên, các vụ cháy nổ vẫn xảy ra trên mọi địa bàn dân sinh, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, gây thiệt hại lớn về con người và tài sản, gây nhiều bức xúc. Do vậy, chúng ta phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý về PCCC.
Từ những vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng QCVN 06:2022/BXD, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi về mức độ phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng, mức độ công nghệ vật liệu, thiết bị PCCC, năng lực của các tổ chức thẩm duyệt, kiểm định,...
“Về QCVN 06:2022 có tham khảo quy chuẩn của các nước, nhưng cần xem xét quy chuẩn đó có phù hợp với nước ta không, có phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, công nghệ... không? Một vấn đề nữa là với một văn bản mà các chuyên gia trong lĩnh vực đọc và vẫn còn những suy nghĩ khác nhau về áp dụng thì rõ ràng văn bản đó chưa đơn giản, dễ áp dụng” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành ban hành những quy định có tính pháp lý làm căn cứ thực hiện quy hoạch, quy chuẩn nghiêm ngặt đối với những loại hình dịch vụ, hoạt động kinh doanh có nguy cơ rất cao về cháy nổ như kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy nổ, karaoke...
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC đối với các công trình hiện hữu, xây dựng mới bảo đảm nghiêm ngặt, phù hợp, an toàn.
Bộ Công an, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát và kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; chuẩn bị lộ trình pháp lý toàn diện, phù hợp, hiệu quả, khả thi; tập trung đào tạo nhân lực; đẩy mạnh xã hội hoá để tăng cường năng lực cho lực lượng PCCC.