Ngày 23/12, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và trao Quyết định phê duyệt quy hoạch.
Quy hoạch lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ
Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, cho biết tỉnh sẽ tập trung triển khai kịp thời các kế hoạch, các đề án nhằm cụ thể hóa Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, năng động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự phát triển; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không đùn đẩy né tránh trách nhiệm; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo quy hoạch.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, quy hoạch Bình Định được làm không đơn thuần chỉ là dựng nên chân dung phát triển tỉnh, kể cả theo nghĩa “động”. Xây dựng quy hoạch tích hợp, tổng thể, tầm nhìn đến tận năm 2050, trong một thế giới đầy biến động là một công việc mới mẻ và đầy thách thức. Bình Định thực hiện công việc này còn với những động cơ - mục tiêu chiến lược khác.
“Quy hoạch mở ra cho Bình Định những cơ hội chưa từng thấy. Đồng thời, quá trình chuyển biến cơ hội đó thành lợi ích phát triển thực tế đang diễn ra, được nhìn thấy trong sự đồng tình và ủng hộ của Trung ương, trong sự phối hợp Vùng đang được triển khai, và hơn hết, trong khí thế hành động đầy tinh thần đột phá và chất trí tuệ của Bình Định. Theo tinh thần đó, không có lý do gì để hoài nghi triển vọng thành công của Bình Định”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, quy hoạch tỉnh Bình Định được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, thể hiện khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
“Tỉnh Bình Định sẽ đóng vai trò là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định. Đây được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đạt được những mục tiêu phát triển theo đúng tầm nhìn và định hướng trong quy hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Bình Định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai quy hoạch; công bố, công khai rộng rãi quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi quy hoạch tỉnh…
Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Bình Định cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế. Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành kinh tế biển. Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, có tính lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Song song với đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…
“Tôi tin tưởng rằng Bình Định sẽ biến những khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tại lễ công bố, tỉnh Bình Định cũng long trọng tổ chức lễ trao Quyết định quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư đã và đang tìm cơ hội đầu tư vào Bình Định.
Quy hoạch tỉnh Bình Định hướng đến mục tiêu năm 2030, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp công nghệ cao; đô thị hóa, đô thị thông minh... Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và đô thị hóa cao hơn bình quân chung cả nước; trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây. Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển và 3 khâu đột phá phát triển. Trong 5 trụ cột, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao, chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và AI… Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng và sản phẩm du lịch đặc thù. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics... |
Diễm Phúc - Hồ Giáp