Tại các vùng nông thôn tỉnh Bình Định, hình thức thanh toán trực tuyến qua mã QR đang được nhiều người dân chọn dùng, được xem là tín hiệu tích cực trong chuyển đổi số ở nông thôn.
Chuyển đổi số "len lỏi" đến từng góc chợ
Nhiều tháng trở lại đây, chị Võ Xuân Viên (40 tuổi, trú thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã lựa chọn thanh toán tiền điện, nước và các dịch vụ mua hàng bằng hình thức quét mã QR, chuyển khoản. Chị viên cho biết, việc thanh toán bằng hình thức trực tuyến, không dùng tiền mặt rất tiện lợi.
“Khi đi mua đồ, uống cà phê mà không đem tiền mặt tôi không cần phải lo lắng vì có thể quét mã chuyển khoản bất cứ nơi đâu. Hoặc trả tiền điện, nước, nhân viên không cần phải tới nhà mà chỉ cần gửi hoá đơn là tôi có thể chuyển khoản. Việc này giúp tiết kiệm thời gian cho nhân viên thu tiền và cả cho tôi. Tôi thấy rất tiện ích”, chị Viên chia sẻ.
Hiện nay, xu hướng thanh toán bằng hình thức quét mã QR chuyển khoản đang len lỏi vào từng góc chợ, quầy hàng nhỏ trên địa bàn thị trấn Ngô Mây. Tại đây, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh các mã QR được dán tại các quầy hàng để giúp khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ những đơn hàng có giá trị nhỏ vài chục ngàn cho đến những đơn hàng lớn, người dân trên địa bàn thị trấn Ngô Mây chỉ cần quét mã QR là đã có thể dễ dàng thanh toán.
Ông Nguyễn Trọng Bình (55 tuổi, chủ quầy tạp hoá trên đường Quang Trung, thị Trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) cho biết, quầy tạp hoá của anh đã thực hiện lắp mã QR thanh toán không dùng tiền mặt từ đầu năm. Hiện nay người dân trên địa bàn đã khá quen và thường xuyên sử dụng dịch vụ này.
“Bây giờ người dân lựa chọn quét mã QR thanh toán rất nhiều, học sinh mua đồ 10-15 ngàn cũng đều thực hiện. Ngoài việc khó khăn ở vấn đề lâu lâu bị nghẽn mạng, tiền lâu đến thì tôi thấy việc này rất thuận tiện. Người dân chuyển tiền vào tài khoản tôi không cần phải đếm, không cần phải chuẩn bị tiền thối lại, tôi cũng có thể dùng tiền này để chuyển khoản tiền hàng rất thuận tiện”, ông Bình thông tin.
Trên địa bàn thị trấn Ngô Mây hiện có hơn 200 các cơ sở kinh doanh, ăn uống nhỏ lẻ. Thời gian quan, UBND thị trấn Ngô Mây đã phối hợp với các đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây cho biết, đến nay, trên địa bàn đã có 30 hộ kinh doanh tập trung ở các tuyến đường phố chính tham gia lắp đặt mã QR thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, tại chợ Phù Cát (thị trấn Ngô Mây) cũng đã lắp đặt mã QR thanh toán cho 186/525 tiểu thương.
“Khó khăn nhất hiện nay là có nhiều người dân cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh, không có tài khoản ngân hàng nên không thể thực hiện được việc này. Bây giờ tập trung sử dụng nhiều nhất là người trẻ tuổi, cán bộ công chức. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng tới toàn người dân trên địa bàn sử dụng thanh toán trực tuyến”, bà Chung nói.
Không chỉ ở huyện Phù Cát, hiện nay tại các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn,... nhiều cơ sở kinh doanh cũng đã lắp đặt mã QR. Người dân lựa chọn hình thức thanh toán trực tuyến thay cho tiền mặt.
Chị Huỳnh Thị Lệ Trâm, chủ quầy tạp hóa ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cho biết, thanh toán bằng mã QR là phương thức thanh toán có nhiều lợi ích được nhiều người dân trên địa bàn lựa chọn. “Thanh toán này rất nhanh chóng, tiện lợi. Cuối ngày tôi có thể dễ dàng rà soát, đối chiếu lại các thanh toán trên chiếc điện thoại thông minh mà không mất quá nhiều thời gian”, chị Trâm chia sẻ.
Ông Đoàn Quốc Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang cho biết, hiện nay địa phương đang đẩy mạnh việc người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Bắt đầu từ cán bộ, công chức xã.
“Chúng tôi phối hợp với các đơn vị cài đặt Banking cho tất cả các cán bộ, công chức, không chuyên trách từ xã đến thôn trên địa bàn, hướng dẫn tránh lừa đảo trên không gian mạng và khuyến khích sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thời gian qua, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đã lan toả rộng rãi trên địa bàn”, ông Tịnh cho hay.
Phát triển nhanh, nhưng cần bảo đảm quyền, lợi ích của người tiêu dùng
Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Bình Định về việc triển khai các quy định đẩy nhanh thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong xu thế số hóa và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, tỉnh Bình Định đã cơ bản hình thành hạ tầng kỹ thuật đầy đủ để người dân và doanh nghiệp sử dụng thanh toán không tiền mặt.
Phương thức thanh toán qua thẻ ngân hàng và trực tuyến qua ứng dụng điện tử là phổ biến hơn cả, được nhiều người dân tỉnh này lựa chọn. Thanh toán trực tuyến qua ứng dụng điện tử không chỉ được tích hợp trên các ứng dụng ngân hàng mà nhiều đơn vị còn xây dựng ví điện tử để thuận tiện cho người tiêu dùng, nổi bật có thể kể đến MoMo, Zalo Pay, Viettel Pay...
Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán hàng, đặc biệt là các chợ được sự đồng thuận của người dân và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng nên bước đầu cơ bản thành công.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT, nhận định: “Ở vùng nông thôn tỉnh ta hiện nay, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QR được nhiều người sử dụng. Thói quen này hình thành khá nhanh và lan tỏa rộng. Sở TT&TT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định cùng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai nhiều phương án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Từ đó, người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đạt chỉ tiêu chuyển đổi số, phát triển xã hội số”.
Giám đốc Sở Công thương Ngô Văn Tổng cho biết, thời gian tới, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.
“Chúng tôi tiếp tục vận động, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức liên quan, nhất là các cơ sở bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn chấp nhận, sử dụng phương tiện thanh toán điện tử, có các hình thức động viên người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ thanh toán điện tử khi có giao dịch.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Tổng nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 6,85 tỷ giao dịch với giá trị đạt 138,3 triệu tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội, đến tháng 8/2023, có 82 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. 51 tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) có cấp giấy phép hoạt động.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt 6,85 tỷ giao dịch với giá trị đạt 138,3 triệu tỷ đồng (tăng 348,54% về số lượng và 69,84% về giá trị).
Trong đó, giao dịch qua kênh Internet đạt 1,33 tỷ giao dịch với giá trị đạt 36,76 triệu tỷ đồng (tăng 372,91% về số lượng và 110,97% về giá trị). Giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 4,76 tỷ giao dịch với giá trị đạt 34,48 triệu tỷ đồng (tăng 598,27% về số lượng và 382,22% về giá trị).
Đáng chú ý, thanh toán qua phương thức QR code đạt 86,50 triệu giao dịch với giá trị đạt 47,26 nghìn tỷ đồng (tăng 871,82% về số lượng và 761,93% về giá trị).
QR là viết tắt của từ Quick Response (Mã phản hồi nhanh). Đây là một ma trận mã vạch có thể được đọc bởi máy quét mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. QR Code gồm những module màu đen được sắp xếp ngẫu nhiên trong một ô vuông có nền trắng. Sự tổ hợp này được mã hóa bất kỳ dữ liệu trực tuyến nào bao gồm: thông tin sản phẩm, giá tiền, thông tin hóa đơn... Điểm ưu việt của mã QR Code so với các mã vạch truyền thống là mã vạch truyền thống chỉ lưu giữ được 20 ký tự chữ số trong khi các mã QR có thể lưu trữ thông tin lên tới hàng ngàn ký tự chữ số.
Thanh toán bằng QR Code được hiểu đơn giản là người dùng sẽ sử dụng camera trên điện thoại để quét mã QR. Sau đó, người dùng chỉ cần nhập số tiền thanh toán, nhận 1 tiếng bíp là giao dịch hoàn tất. Hệ thống sẽ tự động trừ số tiền từ tài khoản ngân hàng của bạn đúng với số tiền cần thanh toán. Đảm bảo việc thanh toán nhanh chóng không cần sử dụng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng.
So với việc thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán bằng ngân hàng hình thức thanh toán này chỉ tốn khoảng vài giây. Đặc biệt, người dùng không cần khai thác bất cứ thông tin nào.