Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố đang trải qua những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 38 độ C, thực tế cảm nhận có thể cao hơn.
Nhiều người tranh thủ ra ngoài hít khí trời lúc mặt trời mọc hoặc trước hoàng hôn để tránh nóng bức. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo đây là hai thời điểm nguy hiểm không nên ra ngoài, đặc biệt là các tỉnh, thành đang lưu hành dịch sốt xuất huyết.
Lý do bởi đây là khoảng thời gian kiếm ăn - hút máu đốt người - ưa thích của muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
Hai thời điểm muỗi vằn thích đi hút máu, truyền bệnh
ThS.BS Đỗ Hoàng Hải - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho hay môi trường sống ưa thích của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là những nơi ẩm, có ánh sáng yếu. Chúng sinh sản đẻ trứng ở các vật dụng tồn đọng nước sạch như chậu hoa, chai lọ, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng...
Bọ gậy cũng thích sinh sống tại những vùng nước sạch, không phải tại khu vực ao tù, nước bẩn.
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thích cư trú tại các chỗ tối trong nhà như mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm treo cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, tủ, hốc, gầm giường, sau rèm. Chúng ít khi đậu trên tường.
Đây là những nơi chúng tránh được gió, mưa và phần lớn các loài ăn thịt khác, giúp chúng sống lâu hơn, đủ để nhiễm virus từ một người bệnh nào đó và nguy cơ ủ bệnh, truyền bệnh cho người khác cũng tăng lên.
“Hai thời điểm muỗi đi hút máu nhiều nhất là sáng sớm hoặc chiều tối, đây là thời điểm nhiệt độ thấp, ánh sáng yếu, độ ẩm phù hợp cho muỗi hoạt động”, bác sĩ Hải nói.
Vì thế, vị bác sĩ khuyên các gia đình nên hạn chế để trẻ chơi, ra ngoài trời mà không có biện pháp phòng hộ phù hợp, đặc biệt với trẻ đang trong vùng dịch hoặc có nguy cơ cao. Thời gian này trẻ nên ở trong nhà.
Những trẻ có nguy cơ cao cần cẩn trọng với sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Hải, một số trẻ có nguy cơ cao cần đặc biệt chú ý bởi nếu mắc sốt xuất huyết, bệnh tình có thể tiến triển nặng hay triệu chứng lâm sàng nặng hơn so với trẻ khác.
Trước hết là trẻ sơ sinh, nhũ nhi, trẻ suy dinh dưỡng hay béo phì. Đây là nhóm dễ diễn biến nặng thành sốc nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết.
Thực tế, những ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) liên tiếp điều trị cho 5 trẻ sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Các bệnh nhi đều có cơ địa thừa cân, béo phì.
Hay trước đó, một bé gái 7 tháng tuổi (trẻ nhũ nhi) ở Đồng Tháp cũng sốc sốt xuất huyết, co giật, toàn thân tím tái.
Ngoài ra, nhóm trẻ có các bệnh lý nền như: Ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, tim bẩm sinh, hen, bệnh lý huyết học, bệnh thận… cũng đặc biệt lưu ý. Theo bác sĩ Hải, nhóm trẻ này mắc sốt xuất huyết có thể khiến bệnh nền diễn biến nặng lên, đặc biệt nhóm bệnh lý huyết học do tình trạng chảy máu của sốt xuất huyết gây ra.
Những trẻ sống một mình, gia đình không có điều kiện theo dõi cũng cần quan tâm, cân nhắc cho nhập viện theo dõi.
Để phá tan môi trường muỗi sinh sống, các chuyên gia y tế khuyên các gia đình phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa, lật úp tất cả các vật dụng chứa nước trong và quanh nhà…
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết hữu hiệu, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần tránh để muỗi đốt trẻ nhỏ; cho con mặc quần áo sáng màu, che hết tay chân.
Với trẻ nhỏ ra ngoài nằm xe đẩy thì nên đi xe có màn che, bôi thuốc chống muỗi đốt.
Bác sĩ cũng khuyên người dân nằm màn khi ngủ kể cả ngủ trưa; gia đình nên làm các rèm che, vật dụng chắn muỗi bay vào nhà. Mở máy lạnh cũng giúp tránh muỗi.
Về thuốc bôi muỗi, bác sĩ Hải khuyến cáo cần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cha mẹ không bôi lên vùng da kích ứng, vết thương hở, mắt, miệng của con.
Cần đưa trẻ đi viện gấp nếu sốt cao 2 ngày không đáp ứng thuốc hạ sốt và có một trong các dấu hiệu sau: Đau đầu vùng hốc mắt, đau cơ, đau khớp; bứt rứt, li bì, lơ mơ, bỏ bú; phát ban xuất huyết; chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, nôn; tay chân lạnh…
Đặc biệt, nếu trẻ sống trong vùng có ca bệnh sốt xuất huyết Dengue gần nhà hoặc vừa đi từ vùng dịch về cần đề phòng hơn.
Thanh Hiền