Nhiều quy định mới về phòng cháy chữa cháy được giới doanh nghiệp đánh giá là vượt cả nước phát triển. Yêu cầu an toàn PCCC là bắt buộc nhưng cũng phải tính mức độ khả thi. An toàn mà không có tính khả thi thì không thể thực hiện.
LỜI TOÀ SOẠN
Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào.
VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh thực tế này trên nhiều địa phương và ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.
Chưa tính đến khả năng thi hành trên thực tế
Khi tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội về quy định phòng cháy chữa cháy, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thấy nhiều doanh nghiệp phản ánh các tiêu chuẩn, quy chuẩn đang đưa ra trong các thông tư tương đương với quy định tại Anh, một trong những nước tiên tiến nhất.
Việc hướng đến những tiêu chuẩn cao thay vì áp dụng tiêu chuẩn thấp để rồi tạo ra những rủi ro lớn cho cộng đồng, xã hội là điều phù hợp. Tuy nhiên, các DN phân tích có những khía cạnh đúng, có nhiều yêu cầu cụ thể khi bóc tách không phù hợp với bài toán đặc thù của Việt Nam.
Ví dụ, quy định về sơn chống cháy, ít nhất trên thị trường phải có 1, 2 loại sơn chống cháy đã được cấp phép thì DN mới mua và sử dụng được. Quy định sơn chống cháy nhưng cả thị trường chưa có loại sơn nào được cấp phép đủ điều kiện nên DN không được thẩm định công trình, không được nghiệm thu, không được tiếp tục vận hành.
“Rõ ràng đó là quy định gây khó”, đại diện Ban IV phân tích.
Nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu hai Bộ Công an, Xây dựng phối hợp để rà soát lại các quy định đã ban hành trong các thông tư về tiêu chuẩn, quy chuẩn; đánh giá xem điều gì là cần thiết khả thi, hợp lí. Tuy nhiên, việc xây dựng lại các văn bản của Việt Nam cần có thời gian, nhanh cũng phải nhiều tháng.
“Sửa thông tư cũng phải vài tháng, không phải hôm nay chỉ đạo thì mai sẽ được tháo gỡ ngay”, đại diện Ban IV đề cập một thực tế về quy trình xây dựng văn bản.
Do đó, chuyên gia này cho rằng, cần phân loại các nhóm vướng mắc của doanh nghiệp để giải quyết. Chẳng hạn, hàng nghìn DN ở Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh khác đang bị yêu cầu tạm dừng không nghiệm thu, tạm dừng hoạt động thì phải có giải pháp hướng dẫn. Bởi nếu phải chờ 1 năm nữa ra thông tư mới thì hàng nghìn DN đó sẽ phá sản.
Ngoài ra, những vướng mắc về các quy định chuyển tiếp cần phải được làm rõ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC được ban hành và sửa đổi trong thời gian ngắn, không có thời gian chuyển tiếp nên việc nắm bắt, tuân thủ của DN gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi mong bóc tách nhóm này ra để xem những cơ sở người ta đã xây sửa theo quy chuẩn cũ bây giờ lại nghiệm thu khi có quy định mới có hiệu lực thì cần ứng xử thế nào”, đại diện Ban IV đề xuất.
Chia sẻ với áp lực của các bộ ngành trong công tác PCCC, song Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink lưu ý: Những quy định được ban hành nếu không tính toán đến tính khả thi thì có thể gây ách tắc các hoạt động của nhà đầu tư. Cho nên, có trường hợp doanh nghiệp đành chấp nhận chưa đủ điều kiện nghiệm thu PCCC vẫn đưa vào hoạt động, họ chấp nhận xử phạt. Nếu không, một nhà máy mỗi ngày có thể thiệt hại cả tỷ đồng.
"Mấu chốt ở đây là khâu ban hành văn bản pháp luật. Luật ban hành nhưng không tính đến khả năng thi hành trên thực tế. Đáng lẽ phải có độ trễ, có lộ trình, quy trình hướng dẫn để các cơ quan nhà nước, các đơn vị chuẩn bị được đủ điều kiện để khi luật đi vào cuộc sống thì thi hành được, không gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư", Luật sư Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ.
Gốc rễ vẫn là ở khâu xây dựng quy định, quy chuẩn
Chia sẻ với PV. VietNamNet, chuyên gia pháp chế Nguyễn Minh Đức cho rằng: Việc tăng cường các quy định về an toàn PCCC giúp giảm rủi ro cháy nổ cũng là điều cần thiết. Nhưng khi xây dựng quy định, cũng cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Nếu đặt ra quy định cao quá mức thì nhiều khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn những lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ. Do đó, quan trọng nhất vẫn là việc tính toán chi phí - lợi ích (hay còn gọi là đánh giá tác động định lượng) và việc tham vấn các bên liên quan khi xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật.
Đáng tiếc là theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, các văn bản hướng dẫn như nghị định, thông tư, quy chuẩn kỹ thuật lại không phải thực hiện đánh giá tác động. Các cơ quan soạn thảo cũng hiếm khi có các đánh giá định lượng theo phương pháp chi phí - lợi ích để chứng minh tính cần thiết, khả thi của mỗi quy định. Do đó, việc đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật hầu như vẫn dựa vào suy nghĩ chủ quan của con người, chưa có bằng chứng khoa học.
Thêm vào đó, công tác tham vấn ý kiến cũng nên được thực hiện kỹ hơn, không chỉ dừng lại ở việc đăng tải một dự thảo thông tư trên website của bộ ngành. Với những quy định có phạm vi tác động rộng như vậy thì cần đầu tư hơn cho việc tổ chức hội thảo, khảo sát thực tế để thu thập ý kiến của các bên trước khi ban hành văn bản.
Các doanh nghiệp hiểu và thông cảm cho áp lực phòng chống cháy nổ của cơ quan nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp cũng mong muốn công trình được thiết kế, xây dựng an toàn để hạn chế rủi ro cháy nổ. Nhưng việc cân đối giữa chi phí tuân thủ và lợi ích của mỗi quy định là việc nhất định phải làm trước khi ban hành.
Còn giải pháp trước mắt, ông Đức cho rằng cơ quan phòng cháy chữa cháy cần nhanh chóng tổ chức đối thoại một cách cởi mở, thẳng thắn với sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia và đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Sau khi cân nhắc các ý kiến và so sánh chi phí - lợi ích, cơ quan PCCC sẽ tiến hành sửa đổi quy định cho phù hợp.
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh khuyến nghị: Khi Nhà nước ban hành các quy định pháp luật phải tính đến tính khả thi, Việt Nam đã chuẩn bị đủ các điều kiện để áp dụng luật được chưa. Còn nếu không thì phải có lộ trình để người dân, doanh nghiệp thực hiện. Nếu vội vàng áp dụng ngay thì dẫn đến tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Chính phủ và nhà nước đang tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra.
"Nhà nước vẫn phải tính đến vấn đề an toàn PCCC, nhưng cũng phải tính đến tính khả thi. An toàn mà không có tính khả thi thì không thể thực hiện được", luật sư Nguyễn Đức Mạnh nhấn mạnh.