Lễ Thất Tịch (ngày 7/7 âm lịch hàng năm) được xem là lễ tình yêu của một số nước Châu Á.
Ngày này liên quan đến truyền thuyết về chuyện tình yêu bền bỉ và sâu sắc của Ngưu Lang và Chức Nữ. Người xưa cho rằng, sau một năm xa cách, cứ đến ngày này hằng năm, Ngưu Lang và Chức Nữ được được gặp nhau bên cầu Ô Thước.
Ở một số nước châu Á, người dân đã có những phong tục đặc biệt để tưởng nhớ về truyền thuyết này.
Tại Trung Quốc:
- Đây là ngày hội truyền thống ở Trung Quốc để các cô gái trẻ trưng bày các món đồ nghệ thuật tự tạo và cầu mong lấy được một tấm chồng tốt.
- Lễ Thất Tịch tập thêu thùa: Vào lễ Thất Tịch, các cô gái sẽ cùng ngồi dưới trăng, tập thêu thùa, cầu mong Chức Nữ se cho mối duyên lành.
- Khắc trái cây: Khắc trái cây là một hoạt động lễ hội khác. Vào ngày này, người ta có thể thấy những bông hoa, những con chim được khắc tinh xảo lên nhiều loại trái cây để thể hiện sự khéo tay. Vì nhiều loại dưa có bề mặt trơn nhẵn nên chúng được xem là loại quả lý tưởng cho việc điêu khắc.
- Làm và ăn xảo quả: Vào lễ Thất Tịch, phụ nữ muốn trổ tài khéo tay thường làm món xảo quả, món bánh chiên có thành phần bột, đường và mè đen.
Tại Việt Nam
Lễ Thất Tịch còn được biết với tên gọi “Ông Ngâu bà Ngâu”. Người Việt có câu: 'Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu/ Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền' để nói về mối tình bi thảm này.
Trong ngày lễ, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt, bền lâu.
Tại Nhật Bản
Người Nhật cũng có một truyền thuyết về nàng tiên dệt vải Orihime và anh chàng chăn trâu Hikoboshi tương tự câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ ở Trung Quốc.
Vào ngày lễ hội, người Nhật viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu khấn Orihime sẽ giúp họ khéo léo hơn trong công việc may vá, viết chữ đẹp cũng như mong muốn Hikoboshi mang đến cho họ những vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng.
Ngoài ra nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm được ý trung nhân.
Nam Phương (tổng hợp)