Theo nội dung công văn gửi tới Sở GD-ĐT Hà Nội, Bộ GD-ĐT cho biết, theo Luật Giáo dục năm 2019, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, vì vậy không có cấp THCS trong trường chuyên. Như vậy, nếu chiếu theo công văn này, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể sẽ phải dừng tuyển sinh hệ THCS.
Thông tin đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh. Không ít người bày tỏ rõ sự bất ngờ, tiếc nuối. Chị Nguyễn Thu (quận Đống Đa) chia sẻ: “Thật đáng tiếc, bởi chính con của mình đã từng học hệ THCS của Trường Amsterdam và phải nói đó là một trải nghiệm rất tuyệt vời”.
Chị Minh Thùy (quận Hà Đông) nói: “Trước nay có hệ THCS của Trường Amsterdam, các con vừa có thêm trường tốt để học, vừa giúp phân chia, làm tản sức nóng vào các trường hot khác và các con cũng thêm cơ hội. Hy vọng, Sở GD-ĐT trình vấn đề lên thành phố Hà Nội và Bộ GD-ĐT xem xét những lý do để hệ THCS tiếp tục được duy trì và tuyển sinh. Tôi rất mong năm học này, trường vẫn tuyển sinh khối lớp 6 bình thường như mọi năm”.
Theo chị Thùy, chưa kể hệ THCS của Trường Amsterdam là cái nôi đào tạo nhiều gương mặt học sinh xuất sắc. “Một môi trường tốt đẹp vậy, có những đóng góp nhất định cho nền giáo dục nước nhà xứng đáng được duy trì và phát triển”.
Số khác bày tỏ lo lắng về cơ hội vào lớp 6 của chính con em mình. Đặc biệt các gia đình, phụ huynh đầu tư cho con ôn luyện để tranh suất vào trường năm nay.
Chị Nguyễn Hương cho rằng, nếu dừng tuyển sinh lớp không chuyên trong trường chuyên, đồng nghĩa không còn tuyển sinh hệ THCS của Trường Amsterdam, câu chuyện tuyển sinh đầu vào lớp 6 ở Hà Nội đã nóng sẽ thêm nóng hơn. Bởi đơn giản số học sinh ngày một đông, nhu cầu lớn, trong khi bớt trường. “Nếu vậy, các trường công lập khác liệu có được tăng quy mô tuyển sinh lớp 6 không? Bởi dù chỉ tiêu khối 6 của trường Ams cũng là 200 học sinh rồi”.
Một phụ huynh trú quận Cầu Giấy thành thật bởi hiểu rõ năng lực của con mình: “Hy vọng có cách nào đó để được xem xét và tiếp tục tuyển sinh hệ THCS của Amsterdam. Như vậy, các học sinh xuất sắc có được môi trường học xứng đáng. Sức học khoảng như con tôi có thêm cơ hội vào các trường như THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy... Giờ nếu không còn tuyển sinh lớp 6 vào Trường Amsterdam, các trường như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ngôi sao lại thêm hot, cơ hội vào các trường top của con tôi càng ít ỏi. Trong khi đó, nhiều năm qua, chúng tôi đã dốc sức cho con học thêm các lò luyện với các thầy cô uy tín...”.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến ủng hộ việc không có hệ “cận chuyên” trong các trường chuyên.
Trên một diễn đàn, một phụ huynh bày tỏ: “Ở cấp THCS không nên tổ chức lớp chuyên hoặc định hướng chuyên, theo tôi là đúng. Bởi lứa tuổi này, các em cần được bổ sung không chỉ kiến thức văn hóa mà còn cả thể chất và tinh thần để phát triển toàn diện”.
Một phụ huynh khác chia sẻ: “Mọi người cứ nói rằng chất lượng học sinh của hệ này rất tốt. Nhưng có lẽ chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng và thấu đáo hơn. Cả xã hội “chạy đua” vào một vài chỗ thì vậy thôi. Chất lượng học sinh tốt là là do đầu vào vốn đã tốt, chứ chưa chắc là do chất lượng đào tạo”.
Phụ huynh Tuấn Anh bình luận: “Tốt có lẽ là điều tất nhiên vì tuyển toàn học sinh giỏi vào học nhưng hệ luỵ cho xã hội mới là điều đáng quan tâm. Tôi nghĩ những mô hình này cũng góp phần đã tạo áp lực cho học sinh lẫn phụ huynh ngay từ cấp tiểu học, để luyện thi vào chuyên chọn”.
Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sau khi nhận công văn từ Bộ GD-ĐT, Sở sẽ tiếp tục đề xuất về việc tiếp tục tuyển sinh lớp 6 bậc THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam theo cơ chế đặc thù, đặc biệt.
“Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã có truyền thống dạy học với bề dày thành tích, là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh đoạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế. Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá đây là mô hình tốt để đào tạo nguồn học sinh có chất lượng và cần có cơ chế đặc biệt. Thật sự chúng tôi rất lấy làm tiếc nếu không còn mô hình này”, vị này nói.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho hay, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng cơ chế đặc thù với những giải pháp phù hợp trong tuyển sinh vào các trường chuyên trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, học sinh và đảm bảo công tác đào tạo mũi nhọn của Thủ đô.
Về vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, cần tôn trọng và góp phần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại hình trường.
“Từ lâu, Việt Nam đã có chủ trương xã hội hoá giáo dục, đa dạng loại hình trường lớp để tạo điều kiện cho đáp ứng nhu cầu rất khác nhau về mục đích giáo dục của người dân. Với loại hình trường chuyên, được xác định là trường THPT, dành cho học sinh đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, được mỗi tỉnh/thành phố đầu tư xây dựng hoặc trực thuộc một cơ sở giáo dục đại học.
Chúng ta cũng có nhiều loại hình trường khác, để đáp ứng những yêu cầu giáo dục, đảm bảo chất lượng. Vì thế, tôi cho rằng, nên để các trường chuyên tập trung vào nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Việc không có các lớp không chuyên sẽ giúp các trường này tập trung vào chuyên môn, và sẽ có các trường khác thực hiện chức năng giáo dục với các mô hình dịch vụ khác”.
Nhiều phụ huynh bày tỏ tiếc nuối nếu mô hình này không còn tồn tại hay dừng tuyển sinh bởi cho rằng khối THCS của Trường Amsterdam đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh chất lượng; phân tải chỉ tiêu, số lượng cho tuyển sinh đầu vào các trường THCS công lập ở Hà Nội.
Tuy nhiên, theo bà Thơ, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. “Hiện tại, riêng ở Hà Nội, có rất nhiều trường chất lượng cao, chưa kể nhiều trường học khác cũng đang trong tiến trình thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng. Những trường học đó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giáo dục của người dân. Tuy nhiên, về khách quan, chúng ta không thể không tiếc nuối những giá trị đã và đang được làm tốt, nay phải có sự thay đổi”.