Thông tin trên được ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, chia sẻ sáng 14/7, tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp.
Theo ông Trung, hai thách thức lớn nhất mà TP.HCM đang phải đối mặt đó là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh. Với mức sinh 1,39 con/phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, TP.HCM là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Mức sinh của phụ nữ TP.HCM năm 2021 và 2020 lần lượt là 1,48 và 1,53.
Ông Trung cho hay số người cao tuổi ở TP là hơn 11% trong khi những năm trước dưới 10%, chứng tỏ tốc độ già hóa dân số diễn ra khá nhanh. Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, nhất là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế xã hội.
"Giải quyết mức sinh thấp và già hóa dân số là một bài toán khó, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới", ông Trung nói.
Ngành dân số đã đề xuất nhiều giải pháp khuyến sinh như miễn giảm viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với người có hộ khẩu, tăng thời gian nghỉ thai sản bố và mẹ, hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, miễn giảm học phí cho trẻ… Thực tế vẫn chưa nâng được tỷ suất sinh lên cao hơn.
Ngành y tế TP.HCM kêu gọi người dân đồng hành thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Việc sinh đủ 2 con sẽ góp phần cải thiện mức sinh, kéo dài thời kỳ dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của thanh niên về tầm quan trọng của khám sức khỏe trước khi kết hôn nhằm tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Báo động về tình trạng phụ nữ TP.HCM ngại sinh con đã được đề cập những năm gần đây. Thực tế, nhiều người cho biết lý do ngại sinh con hoặc sinh ít con vì áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, mức chi phí của cuộc sống đô thị đắt đỏ, chi phí đầu tư nuôi dạy con cao, cần thời gian cho bản thân hơn... Một số người sợ mất việc, mất cơ hội thăng tiến khi sinh con, không đủ điều kiện chăm con tốt nhất.