Theo đó, từ năm 2025 trở đi, nội dung thi tốt nghiệp THPT sẽ bám sát nội dung, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phương án được lựa chọn là phương án 2+2. Tức là 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Như vậy, trong phương án này, Ngoại ngữ - môn học được coi là công cụ để hội nhập - không phải là môn bắt buộc.

anhvnn.jpg
Nữ sinh THPT tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, trong 3 phương án được lấy ý kiến, phương án 2+2 nhận được 59,8% bình chọn tại một số địa phương. Đây là phương án thi ít môn nhất nên chắc chắn tiết kiệm kinh phí nhất.

Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực. 

Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, theo Bộ GD-ĐT, sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình phổ thông 2018.

Về lộ trình thực hiện, Bộ GD-ĐT cho biết giai đoạn 2025 - 2030, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Giai đoạn sau 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính. Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Bộ GD-ĐT cũng thông tin thêm, tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.