Chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng
Việc phụ huynh ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải bốc thăm may rủi để giành suất cho con học trường mầm non công lập khiến dư luận xôn xao. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết, với 85 tòa chung cư, gần 100.000 người, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 2.000 trẻ vào mầm non, nên sức ép về trường lớp trên địa bàn rất lớn.
“Nghịch lý nằm ở chỗ, chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán kiếm tiền. Còn 12 ô đất quy hoạch trường học thì bị quây tôn gần 20 năm qua, để cỏ dại mọc hoặc tận dụng làm bãi xe”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt chia sẻ.
Báo cáo về các ô đất quy hoạch trường học nhưng đến nay chưa được xây dựng, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Tổng công ty HUD) cho biết, trên địa bàn quận Hoàng Mai, Tổng công ty được giao làm chủ đầu tư một số dự án Khu đô thị mới Linh Đàm, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp và Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm.
Đối với các trường học tại lô đất TH3 và NT3 tại Khu đô thị mới Linh Đàm, ô đất này nằm ngay cạnh tổ hợp chung cư HH Linh Đàm hiện đang làm bãi trông xe, theo Tổng Công ty HUD việc xây dựng trường học tại lô đất trên có phần chậm trễ do trước đây, năm 2006 TP Hà Nội có văn bản giới thiệu địa điểm xây dựng Bệnh viện thực hành Trường Đại học Y Hà Nội tại vị trí này.
Đến năm 2013, do việc xây dựng Bệnh viện tại khu vực này không còn phù hợp với các chủ trương của Chính phủ và định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND TP Hà Nội có văn bản chấm dứt nghiên cứu xây dựng Bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y để sử dụng lô đất này bổ sung quỹ đất xây dựng nhà trẻ và trường học phục vụ dân cư.
Chủ trương này đã được thể hiện trong Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được UBND TP phê duyệt năm 2015 và Quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND TP phê duyệt năm 2019, trong đó vị trí nói trên có chức năng sử dụng đất là xây dựng trường học và nhà trẻ.
“Sau khi Quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, đầu năm 2020, Tổng công ty đã khẩn trương lập hồ sơ trình UBND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án. Hiện nay, chủ trương đầu tư 2 trường học này đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Khi được UBND TP quyết định chủ trương đầu tư, Tổng công ty HUD sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thi công công trình”, Tổng công ty HUD cho biết.
Đối với các trường học tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp và Tây Nam Linh Đàm, phía Tổng công ty HUD cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai công tác xây dựng các trường học có chung vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và việc cập nhật, trình duyệt quy hoạch 1/500 theo Quy hoạch chung TP Hà Nội và Quy hoạch phân khu đô thị.
Theo Tổng công ty HUD, các lô đất vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB, chủ yếu liên quan đến việc di dời mồ mả của các hộ dân.
“Đây là việc làm mang ý nghĩa tâm linh, rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của người dân mới có thể triển khai thuận lợi. Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ dân di chuyển mộ để thực hiện công tác GPMB nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi”, Tổng công ty HUD thông tin.
Cụ thể, tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp có 3 lô đất xây dựng trường học, trong đó HUD đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB 2 lô, còn lô đất ký hiệu TH.III.16.1 với tổng diện tích theo quy hoạch là 18.611m2 trong đó đã GPMB 12.424m2, phần diện tích chưa GPMB 6.186m2 do vướng mắc nhiều phần mộ của các hộ dân. Tổng công ty HUD đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ dân di chuyển mộ để thực hiện công tác GPMB nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của các hộ dân.
Tại khu Đô thị mới Tây Nam Linh Đàm, lô đất NT2 (khu đất nghĩa trang - PV) có diện tích hơn 7.312m2 đã được HUD GPMB gần 50% diện tích và trồng cây xanh. Tuy nhiên, theo quy hoạch phân khu đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, lô đất NT2 đã trở thành đất cây xanh có ký hiệu là F4-CX4.
Trong khi đó, lô đất TH2 có diện tích gần 11.193m2, Tổng công ty HUD đã GPMB được khoảng 70%, diện tích còn lại khoảng 3.428 m2 là ao đình làng Bằng A.
Cũng theo Tổng công ty, quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 được UBND TP phê duyệt liên quan đến các khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp đã thay đổi các thông số chỉ tiêu của hầu hết các lô đất trường học. Vì vậy các lô đất xây dựng trường học trên đều phải rà soát và thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
“Tuy nhiên quá trình lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết 1/500 các lô đất trường học nói trên đòi hỏi rất nhiều thủ tục có liên quan của các cơ quan có thẩm quyền nên đến nay, Tổng công ty chưa thể hoàn thành các thủ tục để có thể triển khai đầu tư xây dựng công trình”, Tổng công ty lý giải.
Đã giao 59 ô đất xây trường nhưng chủ đầu tư chưa làm
Là quận có dân số đông nhất trong các quận, huyện tại Hà Nội với gần 538.000 người, Hoàng Mai đang phải đối diện với áp lực lớn về trường, lớp khi có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 khu nhà chung cư cũ với gần 100 nghìn học sinh.
Trong báo cáo của UBND quận Hoàng Mai cũng cho thấy nghịch lý các quỹ đất quy hoạch trường học trên địa bàn quận còn nhiều, đã được thành phố giao chủ đầu tư. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thời gian xây dựng trường, để kéo dài trong nhiều năm. Số ô đất quy hoạch trường học đã giao chủ đầu tư nhưng chưa được đầu tư xây dựng là 59.
Tại phường Hoàng Liệt, nơi phụ huynh phải bốc thăm cho con vào trường mầm non công lập, hiện có 33 ô đất quy hoạch có chức năng trường học (mầm non 20, tiểu học 5, THCS 5, THPT 3) trong đó đã đầu tư 15, hiện còn 18 ô chưa được đầu tư xây dựng.
Một số ô quy hoạch trường học trên bản đồ khác so với cơ sở hiện trạng thực tế (quy hoạch vào ao làng, nghĩa trang, đình chùa...). Các ô quy hoạch chưa giao chủ đầu tư có công trình kiên cố, khó giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tính khả thi để đề xuất đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, vừa qua quận Hoàng Mai đã có kiến nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc thu hồi 12 lô đất do chủ đầu tư chậm triển khai ở phường Hoàng Liệt để xây trường mầm non và trường tiểu học và trung học. Trong đó, quận Hoàng Mai đề nghị Tổng công ty HUD bàn giao 7 lô đất để quận tự đầu tư trường công lập. Đối với 5 lô đất thứ phát (nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty HUD), đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai, nếu không sẽ kiên quyết thu hồi.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri Hà Nội cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo, yêu cầu HUD khẩn trương bàn giao cho quận Hoàng Mai những ô đất xây dựng trường học, công cộng ở khu đô thị Linh Đàm vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch để quận đưa vào đầu tư, quản lý phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Trả lời cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại HUD. Trước đó, Bộ đã có ý kiến làm rõ các nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chậm triển khai các dự án của HUD.
Tuy nhiên, việc bàn giao cho quận Hoàng Mai các ô đất công cộng, trường học "cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích của người dân và nhà đầu tư". Do đó, theo Bộ Xây dựng, cần thời gian nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty HUD tập trung, nghiêm túc, đẩy mạnh công tác chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư chậm triển khai. Đồng thời là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền của quận Hoàng Mai để sớm hoàn thành quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư tại các lô đất thuộc các dự án của Tổng công ty làm chủ đầu tư tại quận này.