Một buổi tối tháng 6, hàng chục đại sứ của các nước châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latin và châu Á tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tham dự tiệc chiêu đãi kỷ niệm quốc khánh Nga do phái bộ nước này tổ chức ở New York (Mỹ), chưa đầy 4 tháng sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đại sứ Nga Vassily Nebenzia đã cảm ơn những người đồng nghiệp ngoại quốc đến dự tiệc, sau khi cáo buộc một số quốc gia (ông không nêu tên cụ thể) đang cố gắng "xóa bỏ" đất nước và nền văn hóa của Nga.
Theo Reuters, sự kiện đã phản ánh những khó khăn mà phương Tây phải đối mặt khi cố gắng duy trì quyết tâm cô lập Nga về mặt ngoại giao, sau hàng loạt động thái lên án Moscow ở giai đoạn đầu.
Một số nước cảm thấy thất vọng và lo ngại rằng, dù xung đột Nga - Ukraine đang thu hút nhiều sự chú ý của toàn cầu suốt gần 6 tháng qua, nhưng hiện không có triển vọng về việc LHQ có thể chấm dứt nó. Các nhà ngoại giao phương Tây thừa nhận, họ bị hạn chế trong việc làm thế nào để nhắm vào Nga mạnh mẽ hơn ngoài việc tổ chức các cuộc họp.
Các nhà ngoại giao và giới quan sát ghi nhận, trong một số trường hợp, các nước phương Tây đang né tránh một số động thái cụ thể vì e ngại chỉ giành được sự ủng hộ khiêm tốn, khi tỷ lệ bỏ phiếu trắng ngày càng tăng ám chỉ việc không muốn công khai chống lại Moscow.
Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 từng cân nhắc kế hoạch bổ nhiệm một chuyên gia của LHQ điều tra các vi phạm ở Nga, nhưng khối sau đó đã gác lại ý tưởng này vì lo ngại gần một nửa trong số 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva có thể phản đối.
Trở ngại
Phái đoàn Nga tại LHQ quả quyết, các quốc gia phương Tây "biết quá rõ rằng không thể cô lập Nga vì đây là một cường quốc toàn cầu".
Thực tế, sự cô lập về ngoại giao đã không ảnh hưởng đến một cuộc bỏ phiếu kín ở Geneva để quyết định "quốc phục" đẹp nhất tại một buổi chiêu đãi vào tháng 6. Một nhà ngoại giao Nga đã chiến thắng và đoạn video ghi lại sự kiện cho thấy cô được tặng một hộp sôcôla. Phái đoàn Ukraine đã bỏ ra ngoài.
Với tư cách là nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, Nga có thể tự bảo vệ mình trước các quyết nghị quan trọng như áp trừng phạt, nhưng họ cũng nỗ lực vận động để giảm bớt sự ủng hộ quốc tế đối với những động thái ngoại giao của phương Tây ở những nơi khác.
Trước cuộc bỏ phiếu hồi tháng 4 của Đại hội đồng nhằm đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền, Moscow cảnh báo các quốc gia rằng việc bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị Moscow coi là "không thân thiện" và dẫn đến "hậu quả" đối với quan hệ của họ. Kết quả cuộc bỏ phiếu do Mỹ khởi xướng này là thành công với các nước phương Tây, khi họ giành được 93 phiếu ủng hộ, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói, Nga đã có thể làm lung lay một số quốc gia bằng câu chuyện rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vốn trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn. Song, theo bà, điều đó đã không biến thành sự ủng hộ lớn hơn dành cho Nga.
Lằn ranh đỏ
Trong vòng một tuần sau khi chiến sự bùng phát ngày 24/2, gần 3/4 Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu khiển trách Nga và yêu cầu nước này rút quân khỏi Ukraine. Ba tuần sau, Đại hội đồng tiếp tục đồng thuận lên án Nga.
"Sự ủng hộ sẽ suy yếu vì các nghị quyết hồi tháng 3 thể hiện một mốc cao. Hiện không có mong muốn hành động thêm trừ khi (Nga) vượt qua các lằn ranh đỏ", một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Á, xin giấu tên tiết lộ. Một số nhà ngoại giao tin những lằn ranh đỏ như vậy có thể là một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học, số lượng lớn dân thường thiệt mạng hoặc việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine.
Các nước phương Tây đã thành công trong việc tập trung vào các cuộc bầu cử vào các cơ quan của LHQ. Lần đầu tiên kể từ khi Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) được thành lập vào năm 1946, Nga đã không trúng cử vào hội đồng điều hành của cơ quan này hồi tháng 4 và không giữ được ghế tại các cơ quan khác. Tuy nhiên, tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng 5, khoảng 30 nước với một nửa trong số họ đến từ châu Phi, đã không tham gia bỏ phiếu về nghị quyết liên quan đến Ukraine.
“Điều khó hiểu nhất đối với chúng tôi là ý tưởng rằng một cuộc xung đột như thế này về cơ bản đang được khuyến khích kéo dài vô thời hạn”, một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Phi chia sẻ, trích dẫn việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev cũng như sự thiếu vắng các cuộc đàm phán thực sự nhằm chấm dứt xung đột một cách hòa bình.
Ukraine đã kêu gọi trục xuất Nga khỏi LHQ. Song, việc thực hiện động thái chưa từng có này cần phải có kiến nghị của Hội đồng Bảo an LHQ, điều Nga có thể ngăn chặn, và sau đó là một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng. Một lựa chọn khác có thể là thu hồi ủy nhiệm thư của các đại diện Moscow, nhưng điều đó sẽ cần tối thiểu là sự ủng hộ của đa số Đại hội đồng.
Tuấn Anh