Reuters dẫn lời ông Zelensky lưu ý, đề xuất trên không áp dụng đối với những công dân Nga chống lại các chính sách của Moscow và đang tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài.
Trong thông điệp video tối 12/8, lãnh đạo Kiev bày tỏ mong muốn "có sự bảo đảm" về việc những người Nga tham gia, cộng tác hoặc ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine "không được phép dùng các visa Schengen". Động thái ám chỉ, ông không muốn mọi công dân Nga đều được cấp quyền đến khu vực Schengen, vốn không đòi hỏi visa đi lại xuyên biên giới và quy tụ nhiều nước EU.
Ông Zelensky lần đầu tiên hối thúc EU ban hành lệnh cấm visa trong một cuộc phỏng vấn tuần này với tờ Washington Post, lập luận rằng người Nga "nên sống trong thế giới riêng cho đến khi họ thay đổi triết lý".
Lời kêu gọi của tổng thống Ukraine vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ những nước lớn thuộc EU. Tuy nhiên, ông cho biết bản thân cảm thấy vui vì sự ủng hộ từ các quốc gia Baltic từng thuộc Liên Xô cũ và Cộng hòa Séc, nước đang giữ chủ tịch luân phiên của EU. Phần Lan cũng ủng hộ quan điểm này.
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ lời kêu gọi của Zelensky, đồng thời khẳng định "bất kỳ nỗ lực nào nhằm cô lập người Nga hoặc nước Nga đều là một quá trình không có triển vọng".
Nga bác đề xuất thiết lập khu phi quân sự quanh nhà máy hạt nhân Ukraine
Chính phủ Nga đã thẳng thừng bác bỏ lời lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc thiết lập một vùng phi quân sự quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu của Ukraine. Cơ sở này tọa lạc trong khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Moscow từ đầu tháng 3 và dự kiến sẽ là tiền tuyến mới trong cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng.
Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya hôm 12/8 phát biểu với hãng tin Interfax rằng, Moscow "phải bảo vệ nhà máy Zaporizhzhia". Theo quan chức này, việc rút quân sẽ khiến cơ sở “dễ bị tổn thương trước các hành động khiêu khích và tấn công khủng bố”.
Theo báo Guardian, Tổng thư ký LHQ António Guterres trước đó đã kêu gọi rút toàn bộ binh lính và khí tài khỏi Zaporizhzhia, đồng thời nhấn mạnh nhà máy "không nên được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào". Ông Guterres muốn các bên liên quan nhất trí thiết lập khu phi quân sự tại đây.
Cả Mỹ và Pháp đều ủng hộ lời kêu gọi của ông Guterres. Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, khẳng định các thanh sát viên cần được đến thăm nhà máy càng sớm càng tốt vì tình hình ở đây hiện rất nghiêm trọng.
Moscow và Kiev hôm 12/8 tiếp tục đổ lỗi lẫn nhau gây ra nguy cơ rò rỉ hạt nhân thảm khốc ở Zaporizhzhia do các cuộc pháo kích vào cơ sở này. Công ty quản lý hạt nhân quốc gia Energoatom của Ukraine thống kê, nhà máy đã bị tấn công 5 lần hôm 11/8, kể cả một vụ gần nơi cất trữ các nhiên liệu phóng xạ. Một cuộc pháo kích vào nhà máy hồi đầu tuần khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương.
Các nhân viên của Energoatom vẫn chịu trách nhiệm vận hành nhà máy dưới sự kiểm soát của Nga. Tổng thống Ukraine Zelensky yêu cầu Nga phải trao trả nhà máy cho Kiev quản lý.
Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, người đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, cáo buộc mọi rủi ro do phía Ukraine gây ra khi họ tự bắn phá Zaporizhzhia. "Họ nói điều đó có thể xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên, giống như 'chúng tôi không dự tính làm nó' ... Đừng quên EU cũng có các nhà máy hạt nhân và tai nạn cũng có thể xảy ra ở đó", ông Medvedev viết trên kênh Telegram.
Thêm 2 tàu chở ngũ cốc rời Ukraine
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/8 thông báo có thêm 2 tàu chở ngũ cốc đã rời các cảng của Ukraine. Cụ thể, tàu Sormovskiy mang cờ Belize chở theo 3.050 tấn lúa mì đã rời cảng Chornomorsk và sẽ hướng đến tỉnh Tekirdag, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu Star Laura mang cờ quần đảo Marshall chở 60.000 tấn ngô cũng đã rời cảng Pivdennyi và có kế hoạch đến giao hàng tại Iran.
Như vậy, trong vòng 2 tuần qua, 14 tàu chở ngũ cốc đã rời khỏi các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen theo thỏa thuận đạt được giữa Moscow và Kiev hồi tháng 7.
Tuấn Anh