Tờ Thời báo Tài chính (FT) cho biết, một số quốc gia đồng minh phương Tây của Ukraine đang ‘phấn khích’ với cuộc phản công thành công ở tỉnh Kharkiv gần đây, nên giới lãnh đạo những nước đó đang thảo luận về “các nhu cầu về dài hạn của Kiev”. “Một số người tin rằng sẽ phù hợp nếu gửi nhiều loại chiến cơ tới Ukraine về trung và dài hạn”, một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ cho hay.
Theo hãng tin RT của Nga, các quốc gia phương Tây trước đây từng nhiều lần từ chối cung cấp chiến cơ cho Ukraine với những lý do sẽ tốn thời gian để huấn luyện phi công Ukraine sử dụng các khí tài trên; các vấn đề bảo dưỡng hệ thống vũ khí cũng như lo ngại nguy cơ leo thang xung đột trực tiếp với Nga.
Dù vậy, Kiev đã có một số cuộc hội đàm với chính quyền Slovakia nhằm mua lại các tiêm kích MiG-29, loại máy bay từng được sản xuất từ thời Liên Xô nhưng đã bị Không quân Slovakia loại biên, để tăng cường năng lực chiến đấu cho Không quân Ukraine.
Đức kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine
Theo tờ Kyiv Independent, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 13/9 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin “nhằm mong Moscow sẽ nhanh chóng rút toàn bộ binh sĩ khỏi Ukraine, trong bối cảnh cuộc phản công của các lực lượng vũ trang Kiev đạt được một số thành công đáng kể tại tỉnh Kharkiv”.
“Trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút, ông Scholz đã kêu gọi Tổng thống Nga Putin nên đi đến một giải pháp ngoại giao càng nhanh càng tốt dựa trên cơ sở của việc ngừng bắn. Đồng thời, Thủ tướng Đức muốn Nga rút toàn bộ binh sĩ đang tham chiến, cũng như tôn trọng sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine”, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, ông Steffen Hebestreit cho biết.
Theo ông Hebestreit, Thủ tướng Scholz trong cuộc điện đàm đã khuyến khích Nga tiếp tục tôn trọng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen, vốn được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ.
Theo truyền thông Nga, Điện Kremlin tới nay vẫn chưa đưa ra thông cáo hay bình luận gì về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức Scholz.