Bố tôi năm nay 60 tuổi, hay bị táo bón, trĩ 10 năm nay, đã điều trị nhiều lần. Vừa qua, ông phát hiện thỉnh thoảng có đi ngoài ra máu. Bố tôi nghĩ đó là do bệnh trĩ tái phát, nhưng tôi đọc báo, thấy cảnh báo đây là dấu hiệu ung thư, có đúng không thưa bác sĩ? (Hoàng Long, Hà Tĩnh).
Bác sĩ Vũ Xuân Vinh, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, tư vấn:
Đi ngoài ra máu là triệu chứng gặp ở rất nhiều bệnh lý khác nhau vùng hậu môn như trĩ, táo bón. Những bệnh đó cũng gây hiện tượng đi ngoài ra máu do tổn thương niêm mạc hậu môn. Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh lý ung thư vùng hậu môn - trực tràng.
Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, từng tiếp nhận, điều trị cho nữ bệnh nhân 54 tuổi, xuất hiện triệu chứng đi ngoài ra máu đỏ tươi, số lượng rất ít.
Tình trạng này kéo dài suốt 2 tháng bệnh nhân mới đến viện vì nghĩ mình bị táo bón, hoặc trĩ, ngại đi khám.
Kết quả khi khám, bác sĩ sờ thấy khối u sần sùi gần sát rìa hậu môn. Khối u tiến triển sùi vào lòng trực tràng, dẫn đến dễ chảy máu khi đi đại tiện. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định nội soi trực tràng, phát hiện có khối u sùi trực tràng thấp cách rìa hậu môn 5cm, chiếm gần hết chu vi.
Sinh thiết tổn thương cho kết quả là tế bào ung thư trực tràng, giai đoạn IIA. Do phẫu thuật đạt được triệt căn, chúng tôi tiên lượng bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường ít nhất 5 năm nếu đáp ứng tốt với phác đồ điều trị bổ trợ tiếp theo.
Vì thế, nếu có dấu hiệu đi ngoài ra máu, đừng chủ quan. Hãy đi khám sớm để được khám loại trừ với các bệnh lý khác. Trong trường hợp là ung thư đại trực tràng, việc phát hiện sớm cũng mang lại hiệu quả điều trị cao, tăng chất lượng sống cho người bệnh.
Ngoài dấu hiệu đi ngoài ra máu, ung thư đại trực tràng còn có những triệu chứng đáng lưu ý như thay đổi thói quen đại tiện; tiêu chảy, hay có cảm giác đi ngoài không hết; phân có khẩu kính hẹp hơn bình thường (mỏng dẹt); cảm thấy khó chịu khắp bụng; giảm cân, mệt mỏi suy nhược không rõ nguyên nhân...