Sáng 26/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã họp ứng phó với bão số 4 và tình hình mưa lớn tại các tỉnh miền Trung.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, sáng sớm nay, bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu-Dông (Phi-lip-pin), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4.
Theo ông Luận, bão số 4 đang di chuyển nhanh (20-25km/h), mạnh lên cấp 13, giật cấp 16 trong ngày 27/9 và mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17 (4h00/28/9) cách Đà Nẵng - Bình Định khoảng 170km về phía Đông.
Từ sáng sớm ngày 28/9, vùng ven biển khu vực Đà Nẵng - Bình Định gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15. Triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23h00 ngày 27/9 là 2,3m.
Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận rà soát phương án sơ tán 868.230 người. Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên - Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão.
Đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, bão số 4 là cơ bão rất mạnh, di chuyển nhanh. Dự báo chiều và đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Khi vào vùng biển gần bờ, bão duy trì cường độ ở cấp 13. Ảnh hưởng đến đất liền bão ở cấp 12-13, giật lên cấp 14.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia dự báo bão số 4 có thể gây ra mưa lớn từ 150-300mm, có nơi trên 350mm. Thời gian mưa tập trung từ chiều 27 đến 30/9, ở các khu vực của Quảng Trị, Bình Định, Bắc Tây Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.
Với lượng mưa như trên, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo nguy cơ ngập tại vùng trũng, thấp tại ven biển, cả sông các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Cụ thể, nếu mưa lớn phổ biến trên 400mm, sẽ có khoảng 60 huyện và khu đô thị nguy cơ ngập lụt, trong đó có nhiều quận của TP Đà Nẵng, huyện của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế…
“Đây là một cơn bão rất mạnh. Dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ - tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020”, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thông tin.
Tại cuộc họp, Thượng tá Đỗ Duy Phương - đại diện Văn phòng Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, sáng nay (ngày 26/9) Bộ Quốc phòng đã tổ chức giao ban chỉ đạo trực tiếp Quân khu 4 và Quân khu 5 phối hợp với địa phương sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4 và đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại mà cơn bão số 4 có thể gây ra.
“Các đơn vị đã rà soát, chuẩn bị lực lượng ứng phó với cơn bão số 4. Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh cũng đã chủ động làm việc với các địa phương và sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện ứng phó với cơn bão”, ông Đỗ Duy Phương nói.
Thượng tá Đỗ Duy Phương cũng lưu ý về vấn đề sạt lở đất đá ỏ khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ông đề nghị các tỉnh thành và đơn vị liên quan cử đoàn công tác lên vùng núi có khả năng sạt lở để lên phương án di dời dân đến vùng an toàn.
>>Xem tin nóng: Tin bão số 4 - Siêu bão Noru và các chỉ đạo ứng phó khẩn cấp
Dự báo của các trung tâm dự báo quốc tế thống nhất về quỹ đạo của bão số 4 nhưng có sự khác biệt về cường độ. Ngày 28/9, khu vực tâm bão đi qua từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định. Trung tâm dự báo của Mỹ dự báo cường độ bão gần bờ từ cấp 15-16, còn Nhật Bản dự báo cường độ cấp 13-14, Trung Quốc dự báo cấp 15-16, Hồng Kông dự báo cấp 14-15. |