Bộ Quốc phòng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri TPHCM gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Theo đó, cử tri đề nghị cần có chế độ hỗ trợ và đưa vào chế độ tiền lương hằng tháng đối với quân nhân chưa được hưởng chế độ chính sách về nhà ở xã hội; chưa hoặc không có nhu cầu thuê nhà ở công vụ.
Theo cử tri, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi và sự bình đẳng đối với tất cả sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong cuộc sống.
Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, phụ cấp nhà ở đã được quy định tại Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Cơ yếu.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ thì thẩm quyền quyết định chính sách cụ thể về tài chính, tiền tệ quốc gia, tiền lương… thuộc Chính phủ.
Theo quy định của Luật Ngân sách thì thẩm quyền quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức thực hiện thống nhất trong cả nước thuộc Chính phủ; thẩm quyền quyết định ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách đối với các ngành, lĩnh vực… thuộc Bộ Tài chính (không thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng).
Do vậy, Bộ Quốc phòng tiếp thu ý kiến của cử tri, tiếp tục nghiên cứu báo cáo đề xuất với Chính phủ và cấp có thẩm quyền xây dựng quy định chi tiết để tổ chức thực hiện.
Cử tri kiến nghị TPHCM cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng dành thêm nguồn lực tài chính và đất đai trong việc xây dựng nhà ở cho quân nhân. Cụ thể, quân nhân được ưu tiên trong các chương trình nhà ở xã hội, xem xét hỗ trợ các khoản vay mua nhà ưu đãi, trợ cấp thuê nhà và các chương trình hỗ trợ tài chính khác.
Bộ Quốc phòng cho biết, thời gian vừa qua, Bộ đã tích cực phối hợp, tham gia với Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì) trong việc xây dựng dự án Luật Nhà ở năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8.
Đến nay, các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn tổ chức thực hiện của Luật Nhà ở được ban hành cũng đồng thời có hiệu lực với Luật Nhà ở năm 2023.
Luật Nhà ở quy định các nhóm đối tượng được hưởng các chính sách về nhà ở gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác được hưởng các ưu đãi.
Các chính sách gồm, được mua, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển của địa phương và dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Ngoài ra, điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân cũng được nới rộng hơn so với các đối tượng khác.
Như vậy, theo quy định tại Luật Nhà ở, quân nhân đã được ưu tiên hơn trong các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, được hỗ trợ ưu đãi các khoản vay mua nhà và chương trình hỗ trợ tài chính khác.
Ngày 30/8, Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì phối hợp với bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Luật hoặc Nghị định về cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý, thời gian hoàn thành trong năm 2025.
Do đó, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang đưa vào xây dựng Luật hoặc Nghị định nêu trên.