Phở Thìn Lò Đúc là thương hiệu có tiếng tại Hà Nội, được không ít người dân và du khách ưa chuộng. Quán được thành lập từ năm 1979 bởi ông Nguyễn Trọng Thìn (71 tuổi). Từ khi ra đời tới nay, quán chỉ phục vụ duy nhất món phở bò tái lăn.
Gần đây, thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc nhận được sự quan tâm của dư luận xoay quanh câu chuyện mâu thuẫn giữa nhà sáng lập và người tự giới thiệu là người vận hành công ty liên quan đến thương hiệu này. Trước lùm xùm liên quan thương hiệu, phở Thìn Lò Đúc cũng từng nhiều lần gây tranh cãi về mức giá. Đây được xem là một trong những quán phở đắt đỏ nhất Hà Nội. Có thời điểm, phở Thìn Lò Đúc chạm mức 90.000 đồng/bát.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều quán phở có tiếng ở Hà Nội vẫn giữ mức giá 30.000 - 50.000 đồng/bát, tức chỉ bằng khoảng 1/2 so với giá phở Thìn. Nhiều quán khiến thực khách sẵn lòng xếp hàng chờ thưởng thức.
Phở Oanh: Quán phở ba đời ở phố cổ Hà Nội, khách 'đạp vòng hồ Tây' chờ đến lượt ăn
Quán phở bà Oanh ở ngõ Thọ Xương nằm trong ngôi nhà nhỏ, cũ kĩ, không biển hiệu... nhưng vẫn luôn tấp nập thực khách. Theo bà Oanh, mỗi ngày quán có thể bán vài trăm bát phở.
Vợ chồng bà Oanh (sinh năm 1975) - chủ quán hài hước chia sẻ với phóng viên VietNamNet: "Trước đây, tôi cũng treo biển hiệu mà gió bão quật, "bay" mất rồi. Bây giờ lười treo lại. Khách tới quán toàn khách quen nhiều năm, chẳng ai ngó tới cái biển đó cả".
Trong nhà, ngoài nơi đặt quầy phở thì bất cứ chỗ trống nào cũng được ông bà sắp xếp bàn ghế. Ngày cuối tuần, chồng bà Oanh thậm chí phải xếp ghế nhựa sang vỉa hè nhà hàng xóm để khách ngồi ăn phở.
Quán phở đông kín khách mỗi sáng
"Hôm nào mà ông chồng của chủ quán bảo: "Bác đạp một vòng hồ Gươm nữa đi!" thì tức là phải đợi 5 - 10 phút. Lúc đông hơn thì ông ấy sẽ tếu táo nói: "Bác đạp một vòng hồ Tây rồi quay lại nhé!". Ngày cuối tuần, đôi khi, chủ quán không cần nói gì, nhìn dãy xe xếp dài là tôi biết phải chờ lâu rồi. Nhưng ăn ở đây quen, tôi ít khi ăn phở quán khác", ông Hà Vân (73 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một thực khách quen của quán cho biết.
Bà Oanh cho biết, gia đình bà đã bán phở bò 3 đời, từ thời ông nội của bà - cụ Thơ. Ông cụ nấu phở kiểu Nam Định, gánh bán khắp khu vực Phủ Doãn. Sau này, bố bà Oanh sử dụng công thức cha truyền để nấu phở trong hợp tác xã, gần rạp Hồng Hà.
Theo bà Oanh, mỗi ngày, bà đặt từ 60-70kg thịt, xương bò các loại từ một cơ sở gắn bó lâu năm để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng. Phần thịt bò được thái mỏng, đập dập rồi nhanh tay chan nước phở sôi để giữ được độ ngọt, thơm và chất dinh dưỡng. Phần gầu giòn ở quán luôn tươi ngon, luộc vừa chín tới.
Phở bưng Hàng Trống trong như nước suối, khách lách hẻm hẹp, 'gù lưng mỏi gối' chờ ăn
Gần chục năm về trước, cứ tới giờ tan tầm, một quán phở nằm ở khu vực đầu phố Hàng Trống giao Hàng Bông (Hà Nội) lại chật cứng thực khách. Quán nằm ngay vỉa hè với một nồi nước dùng, rổ thịt bò, vài chục cái ghế nhựa. Khách xếp hàng gọi đồ rồi tự tay bưng bát phở nóng hôi hổi, nhanh chân tìm ghế trống để ngồi thưởng thức. Không có bàn nên khi ăn, họ cứ tay bưng, tay gắp, miệng xuýt xoa. Cũng vì đó, người ta gọi đây là "phở bưng Hàng Trống" - món phở "gù lưng, mỏi gối" thưởng thức.
Hiện, không gian của quán rộng chỉ chừng 10m2, nằm trên tầng hai của một dãy nhà phố cổ. Một góc phòng khách của gia đình chủ quán được tận dụng để kê 4-5 chiếc bàn nhựa, nơi đón được chừng chục vị khách. Góc bếp với nồi nước dùng sôi sùng sục, rổ thịt và dụng cụ làm phở nằm ở góc ban công rộng 3-4m2. Khu ban công này không có đủ chỗ đặt bàn, thực khách tới ăn phở vẫn giữ thói quen như hồi ngồi vỉa hè - vừa bưng vừa gắp. Ngày mưa, bà chủ đội nón để bán hàng, lấy ô che cho nồi nước phở.
Điểm đặc trưng nhất của bát phở là phần nước dùng trong như "nước suối", vị thanh, thơm dịu, hoàn toàn không có mùi gây của thịt hay xương bò. Quán chỉ bán duy nhất loại phở chín. Những tảng bò được luộc chín tới, mỡ nạc đan xen, thái mỏng, ăn mềm. Nhiều vị khách cho biết họ còn thích mua phần nước phở này về... để chan cơm nguội, món ngon thời bao cấp.
Hiện, mỗi bát phở tại quán có giá 35.000 đồng. Một số ý kiến cho rằng, hương vị hiện nay không ngon bằng khi quán ở vỉa hè. Tuy nhiên, quán vẫn giữ được lượng khách quen ổn định và thường xuyên đông đúc vào cuối tuần. Chủ quán mở bán từ 15h đến 21- 22h.
Quán phở có ông chủ lạ đời, gần 30 năm không cho vợ động vào dao thái thịt
Phở Đức Khôi nằm trên đường Phùng Hưng (Hoàn Kiếm) là một trong những địa chỉ được tín đồ mê phở yêu thích. Quán phở của ông Khôi có nguồn gốc từ cụ thân sinh của nhà phở Sướng nổi tiếng ở Hà Nội. Gần 30 năm nay, ông Khôi chỉ làm theo công thức đó, nước dùng chỉ thêm gừng và hành nướng pha cùng nước mắm ngon, tuyệt đối không có thêm hồi, quế bởi sẽ nặng mùi, nước phở dễ ngả màu.
Chủ quán nổi tiếng là người kĩ tính nên bát phở ở đây có nước dùng vừa vặn, miếng thịt thái mỏng lộ rõ thớ, trình bày bát phở rất ngon mắt. Thịt bò được tuyển chọn kỹ càng, nhất là thịt tái, phải là những miếng thịt tươi, thịt thái ra vẫn dẻo dính tay. Nồi nước chần phở phải luôn đầy ngang nước dùng để chần ngập bánh phở, giúp bánh phở mềm và dẻo, giữ được độ nóng hổi. Vì thế, chan nước dùng lên bát phở sẽ giữ được nóng lâu.
30 năm bán phở, vợ ông Khôi không được thái thịt, đứng bếp. Dao thái thịt ông giữ gìn rất cẩn thận, tử lau rửa, bảo quản.
Mỗi bát phở ở đây có giá từ 35.000 - 50.000 đồng.
Phở Khôi hói Hàng Vải
Cũng gắn liền với ông chủ tên Khôi, phở Khôi Hói là địa chỉ quen thuộc với nhiều thực khách ở phố cổ Hà Nội. Món nổi tiếng tại phở Khôi Hói (50C Hàng Vải, Hoàn Kiếm) là phở bò lõi – phần thịt hiếm và được xem là ngon nhất của con bò.
Ngoài những nguyên liệu tươi ngon đặc biệt thì phần nước dùng được nấu chuẩn theo công thức gia truyền cũng góp một phần không nhỏ tạo nên sự thành công của phở Khôi Hói trong lòng thực khách. Tất cả các nguyên liệu, gia vị, nước dùng đều được bày ra phía trước quán để khách có thể nhìn thấy, đó cũng là cách gây dựng niềm tin trong lòng thực khách của chủ tiệm phở này.
Một bát phở ở đây có giá dao động từ 40.000 đến 80.000 đồng. Món phở đắt nhất là phở lõi gầu giòn.
Quán phở 40 năm chỉ mở 'nửa đêm, rạng sáng'
Nằm trên phố Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quán phở Thật có giờ mở cửa "khác người". Hơn 40 năm nay, quán chỉ mở đón khách từ 17h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, là địa chỉ ăn đêm có tiếng của Hà thành.
Chủ quán phở Thật hiện tại là anh Phạm Văn Thành. "Tên quán phở là do bố tôi đặt, lấy tên của người con út trong nhà. Nhưng sau này, khách tới đông, thường nói Thật ở tên quán là phở thật, thịt thật, nước dùng thật. Ý khen rằng, phở nhà tôi ngon từ nguyên liệu tới nước dùng", anh Thành chia sẻ.
Thực đơn của quán đa dạng nhưng có 3 món được ưa thích nhất, "đắt hàng" nhất là phở tái, phở chín, phở sốt vang. Theo anh Thành, nước dùng phở nhà anh chỉ có xương, thịt bò và gừng. Gia đình trước nay không dùng hồi, quế để khử mùi tanh của xương bò.
Khu vực bếp nấu phở "lộ thiên", khách nào cũng có thể nhìn thấy. Ở đây lúc nào cũng có 3 nồi nước dùng lớn sôi sùng sục, khói bốc nghi ngút: một nồi nước dùng để sử dụng cho phở tái, chín; một nồi chuyên sốt vang còn nồi lớn nhất dùng ninh xương.
Mỗi bát phở ở đây giá từ 40.000 đồng.