Phở không phải món ăn nổi tiếng tại Đà Lạt, cũng không nằm trong danh sách "nhất định phải thử" với du khách. Thế nhưng, tại thành phố du lịch này vẫn có những quán phở lâu năm, níu chân thực khách bởi nét hoài niệm, xưa cũ của không gian và sự dịu dàng, ân cần "chuẩn người Đà Lạt" của chủ quán.
Phở Uyên - quán phở nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là một quán phở như thế!
Quán phở này từng nổi tiếng trên mạng xã hội bởi "bộ nhận diện" lạ mắt. Quán là một căn nhà gỗ, mặt tiền sơn màu xanh da trời, bảng hiệu sử dụng font chữ quen thuộc của những năm 80 - 90 thế kỉ trước. Nhiều bạn trẻ tìm tới đây để chiêm ngưỡng một hình ảnh Đà Lạt xưa cũ, chụp vài ba tấm ảnh kỉ niệm. Bà chủ quán 72 tuổi vui vẻ, niềm nở chào đón, dù vị khách tìm tới chụp ảnh hay thưởng thức đồ ăn.
"Không gian quán nho nhỏ nhưng đủ khiến mình xao xuyến, rất gần gũi, chân thật chứ không phải những không gian được phục dựng hay xây dựng "giả cũ" theo ý đồ", Lan Chi (du khách TPHCM) chia sẻ.
Theo chủ quán, ngôi nhà gỗ này do cha mẹ bà tự xây dựng từ 60 năm về trước. Năm 1994, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đồng lương nghề giáo của hai vợ chồng không đủ để nuôi con ăn học, bà nghỉ việc, về mở quán bán phở bò, bún giò heo và một vài món ăn sáng. Bà đặt tên quán theo tên của con gái - Hải Uyên.
Bà cụ 72 tuổi gây ấn tượng với du khách bởi gương mặt phúc hậu, rạng rỡ, luôn nở nụ cười tươi. Bất cứ vị khách nào ghé quán, bà đều nói lời cảm ơn bằng chất giọng ấm áp, nhẹ nhàng, pha lẫn chút âm hưởng Huế với giọng miền Nam - kiểu phát âm phổ biến của người Đà Lạt trước năm 1975.
"Cảm ơn con đã ghé quán cô nha con!"
"Chào con, rất cảm ơn vì con dành thời gian ghé quán."
"Cảm ơn chú ghé quán tôi. Mời chú vô bàn!"
Vừa tỉ mỉ làm tô phở bò, bà chủ vừa kể: "Vài năm gần đây, nhiều vị khách ghé quán vì tò mò trước tấm biển tên lạ mắt. Tấm biển này được ông xã tôi vẽ từ năm 1994 đó. Ông ấy là giáo viên ngoại ngữ nhưng mê hội họa. Khi tôi mở quán, ông tự thiết kế, chọn màu sơn và vẽ bảng hiệu cho vợ. Mấy chục năm nay, tôi vẫn giữ như vậy. Những bức tranh treo trong quán cũng là do ông ý vẽ tặng".
Trước đây, phở Uyên bán nhiều món khác nhau, tuy nhiên sau này, do tuổi đã cao, hai chị em chủ quán chỉ bán duy nhất phở bò. Quán mở từ 7h15 phút sáng tới 16h chiều hàng ngày. Họ trực tiếp chuẩn bị nguyên liệu, nấu phở, phục vụ khách. Quán chỉ thuê thêm một người phụ trợ.
Chủ quán dùng bếp than để ninh nồi nước dùng từ ngày hôm trước tới 4h sáng hôm sau. "Bây giờ nhiều nơi dùng bếp điện nhưng tôi vẫn cảm thấy lò than giúp nước ninh xương ống được ngon hơn, lửa liu riu chứ không quá lớn", chủ quán chia sẻ.
Nước phở béo, khá khác biệt với nước phở trong phía Bắc. Chủ quán chia sẻ, công thức nấu phở được bà học từ người thân, đọc trong sách nấu ăn, ghi chép thông tin trên mạng rồi chế biến cho phù hợp khẩu vị người Đà Lạt.
Đi kèm với bát phở nóng hổi, thơm mùi nước dùng, hạt tiêu là giá đỗ, rau ngò, xà lách, húng quế. Sau khi dùng phở, thực khách có thể tráng miệng bằng món sữa chua do đích thân chủ quán làm hàng ngày, có vị chua dịu, béo ngậy, rất dễ ăn.
Theo nhiều thực khách đã ghé quán thưởng thức, phở Uyên không phải món phở quá ấn tượng mà chỉ dừng ở mức vừa miệng, dễ ăn. Trong cái lạnh se se của buổi sớm Đà Lạt, tô phở nóng hổi khiến người ăn ấm lòng. Điều khiến thực khách "chấm điểm 10" cho phở Uyên nằm ở sự ân cần, tâm huyết và rất đỗi tình cảm của chủ quán.
"Bao năm nay bà chủ quán vẫn vậy, niềm nở, dịu dàng. Ở tuổi ngoài 70, bà vẫn đam mê với công việc nấu phở, phục vụ thực khách mà không lúc nào than mệt", anh Trí (Đà Lạt) chia sẻ.
"Mình tìm tới quán vì tò mò không gian một quán phở xưa Đà Lạt. Khi đến nơi, mình xiêu lòng bởi nét hoài niệm ở đây. Nụ cười và giọng nói, cử chỉ quan tâm của cô chủ quán cũng khiến mình rung động. Với những điều nhỏ bé đáng yêu như thế, tô phở trở nên thơm ngon hơn", Hoài An (Đà Nẵng) nhận xét.