Ông Hoàng Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh (Ninh Bình), cho biết đến nay thu nhập bình quân của người dân huyện nay đạt 69,52 triệu đồng/năm, tăng 65% so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,95%.
Tại huyện nằm ở phía Đông Nam tỉnh Ninh Bình này, trong giai đoạn 2021- 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm đều theo các năm. Trong đó, năm 2021 có 1.603 hộ nghèo (chiếm 3,37%); cuối năm 2022 còn 1.133 hộ nghèo (chiếm 2,36%); thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 68,78 triệu đồng/người.
Để hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trên địa bàn huyện Yên Khánh đã tích cực tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực để xây, sửa nhà ở cho các hộ.
Tính trong 5 năm qua, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội các cấp, cùng sự đóng góp, ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm, Yên Khánh đã hỗ trợ sửa chữa 48 nhà, xây mới 89 nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.
Cấp ủy, chính quyền các xã, chi bộ từng thôn, xóm đã thường xuyên kiểm tra, bám sát cơ sở đôn đốc xây dựng; các tầng lớp nhân dân trên địa bàn chung tay ủng hộ cả ngày công và tiền của, góp phần hoàn thiện nhà ở đảm bảo chất lượng, đúng thiết kế và tiến độ đề ra.
Những căn nhà khang trang, kiên cố là phần quà ý nghĩa, thiết thực, động viên các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn an cư, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Thực hiện Nghị quyết số 43/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, ngày 11/4, lãnh đạo UBND tỉnh này ký ban hành Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở năm 2024.
Theo đó, 424 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong đó, có 322 hộ được xây mới, 102 hộ được hỗ trợ sửa chữa. Tổng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này là 37,3 tỷ đồng. Riêng tại huyện Yên Khánh, có 33 hộ được xây mới, 15 hộ được sửa chữa.
Hỗ trợ người nông dân tạo sinh kế, có việc làm, tăng thu nhập, các cấp Hội Nông dân huyện Yên Khánh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để hỗ trợ hội viên phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội Nông dân huyện Yên Khánh đã linh hoạt, sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát huy thế mạnh của địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu, đưa các cây, con có giá trị cao vào nuôi, trồng.
Huyện phối hợp tổ chức các buổi chuyển giao kỹ thuật, cung ứng hàng trăm tấn phân bón các loại cho hội viên. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn để hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện có gần 5.120 hộ được vay trên 375 tỷ đồng từ các ngân hàng.
Với các hình thức hỗ trợ thiết thực, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã thành lập được gần 10 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt thâm canh, trồng táo theo hướng VietGAP; thành lập và ra mắt nhiều Tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; hàng chục mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi sâu canxi, giun trùn quế, nuôi ốc nhồi…
Để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Yên Khánh cho biết tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản...
Huyện cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.
Bên cạnh đó, huyện sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và của cộng đồng, gắn đầu tư cho phát triển sản xuất với đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Đặc biệt, người nghèo, hộ nghèo cũng thường xuyên được tuyên truyền để có nhận thức đúng đắn, có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết thực hành tiết kiệm, học hỏi tự tạo việc làm, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp và cộng đồng.