Tính đến cuối tháng 6/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghi Xuân có 206 tổ vay vốn, tổng dư nợ ủy thác đạt gần 504 tỷ đồng (tăng hơn 17 tỷ đồng so với đầu năm).
Với 16 chương trình tín dụng đang được thực hiện, đến nay, ngân hàng đã giải quyết cho 7.088 lượt hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, giải quyết việc làm, học hành, làm nhà ở xã hội, xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...
Ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tính đến ngày 12/7, dư nợ của xã đạt trên 24 tỷ đồng, với 420 khách hàng vay vốn. Để phát huy có hiệu quả nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, Hội Nông dân xã đã phối hợp với thực hiện tốt việc quản lý nguồn vốn vay, lựa chọn đối tượng cho vay, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, đôn đốc giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích...
Còn tại xã Xuân Hồng, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Cần (40 tuổi, thôn 1) là trường hợp đổi đời nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Chị cho biết trước khi vay vốn, cuộc sống gia đình rất khó khăn, thu nhập chỉ dựa vào vài sào ruộng. Hằng ngày, vợ chồng đi làm thuê kiếm sống qua ngày, kinh tế bấp bênh khó để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống. Năm 2017, vợ chồng chị mạnh dạn nhận đấu thầu trên 2ha đất ao hồ của địa phương xây dựng mô hình nuôi cá, thả vịt. Thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân xã Xuân Hồng, chị được cho vay 125 triệu đồng.
Nhờ nguồn vốn trên, gia đình chị đầu tư nuôi 2.000 con vịt đẻ và hàng tấn cá giống các loại. Chị còn tận dụng diện tích đất bờ ao trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, thả chim bồ câu. Từ phát triển kinh tế trang trại, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình chị thu nhập bình quân khoảng 25-30 triệu đồng. Trên đà phát triển, gia đình chị Cần dự định gom góp, vay thêm vốn để mở rộng sản xuất, tăng cao thu nhập.
Việc được tiếp cận sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả giúp các hộ gia đình nghèo không chỉ tạo ra công ăn việc làm, cải thiện nâng cao đời sống mà còn cùng địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.
Tại huyện Nghi Xuân, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,24% năm 2021 xuống còn 2,19% năm 2023, hộ cận nghèo giảm còn 2,68%. Huyện cơ bản đã kiểm soát và hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh.
Trên toàn tỉnh Hà Tĩnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành điểm tựa để hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn vay vốn đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Tại huyện Thạch Hà, hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Thạch Hà đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho 1.940 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng.
Toàn huyện cũng đã triển khai 16 dự án phát triển sản xuất cộng đồng (mô hình chăn nuôi gà, bò) tại 16 xã; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với 6 dự án ở 6 xã; mở 2 lớp đào tạo nghề cho 70 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo; tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực người làm công tác giảm nghèo và đối thoại các chính sách giảm nghèo…
Nhờ đó, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Thạch Hà giảm dần, đến nay còn 1.301 hộ, tỷ lệ 3,26% (giảm 13 hộ, tỷ lệ giảm 0,03%) so với đầu năm 2024. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Tĩnh còn 3,04%, giảm 0,75% so với năm 2022.