Đây là kết quả 1 năm sau khi huyện Bố Trạch thực hiện chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số” năm học 2022 – 2023.
Huyện Bố Trạch cho biết, toàn huyện hiện có 35 trường mầm non, trong đó có 3 trường mầm non có trẻ là người dân tộc thiểu số (DTTS). Năm học 2022-2023, huyện có 19 lớp mẫu giáo với 364 trẻ là người các DTTS: Ma Coong, Chứt, Bru Vân Kiều, được đến trường.
Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non các địa bàn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ, đảm bảo cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, để hoàn thành chương trình Giáo dục mầm non, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của cấp học tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023 của ngành giáo dục mầm non, vì vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị có trẻ là người DTTS có các giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng.
Đồng thời, các trường đã tích cực tham mưu với chính quyền địa phương, chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn, huy động sự tham gia tích cực của phụ huynh, già làng, trưởng bản, làm tốt công tác xã hội hoá để tăng trưởng cơ sở vật chất. Chính nhờ vậy, giáo dục dân tộc trẻ mầm non năm học 2022-2023 đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Cụ thể, tỷ lệ trẻ mẫu giáo là người dân tộc được đến trường đạt 91,9% (tăng 1,7% so với năm học trước), trong đó trẻ 5 tuổi được đến trường đạt tỷ lệ 100%. Hiện huyện mở thêm 1 điểm trường bán trú tại bản Khe Ngát.
Để đẩy mạnh xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt, các trường đã xây dựng góc thư viện thân thiện nhằm khuyến khích các bậc phụ huynh của trẻ cùng đọc sách với trẻ tại trường, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt được thường xuyên; 100% lớp học đều xây dựng góc địa phương có các đồ dùng vật dụng mang bản sắc văn hóa của dân tộc; các đồ dùng, các thiết bị được dán ký hiệu bằng các chữ cái; các mảng tường có sử dụng đa dạng các kiểu chữ cái, chữ số để cho trẻ làm quen thường xuyên mọi lúc mọi nơi; lồng ghép việc tăng cường tiếng Việt vào thực hiện chương trình Giáo dục mầm non một cách phù hợp, linh hoạt theo từng độ tuổi, từng hoạt động; tổ chức các hoạt động giáo dục, tăng cường việc trao đổi trò chuyện, giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt.
Nhờ đó, đến nay 100% trẻ đều được tăng cường tiếng Việt, 100% trẻ biết nghe, hiểu và nói tiếng Việt đảm bảo trong các hoạt động tại trường lớp.