Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số số và miền núi năm 2022.
Theo đó, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 của tỉnh Quảng Bình là 260.689 triệu đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương.
Nguồn kinh phí này để thực hiện 10 dự án nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân, trong đó ưu tiên các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, tỉnh Quảng Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 4%/năm; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho 138 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 305 hộ; trợ giúp chuyển đổi nghề cho 160 hộ.
Về hạ tầng, các địa phương đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung,15km đường giao thông liên xã,17 km đường điện hạ thế, cải tạo, sửa chữa 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, đầu tư, hỗ trợ thiết chế văn hóa thể thao cho 17 thôn, bản, 1 chợ biên giới. Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng 2 điểm du lịch cộng đồng để phát huy tiềm năng vùng đất nhiều thế mạnh về du lịch.
Hiện, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã thông qua kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời triển khai kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp khi vụ sản xuất mới đang cận kề.
Hồ Nhụy, Thanh Hùng, Kiều Oanh, Diệu Bình