Ngày 9/5 Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: “Liên quan tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, VCCI đã thí điểm xây dựng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022. Năm 2023, chúng tôi đã hoàn thiện phương pháp luận và công bố chính thức chỉ số PGI vào ngày 9/5.
Theo đó, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PGI 2023. Tiếp đến là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên và TP.HCM.
Một số tỉnh, thành phố khác trong Top 10 của Chỉ số PGI 2023 là Tây Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Hà Nam và Vĩnh Long.
Với việc xây dựng và công bố PGI, VCCI mong muốn các địa phương tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ đồng thời quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, ông Công nhấn mạnh.
Theo GS. Edmund Malesky - Giám đốc nghiên cứu Dự án Sáng kiến PGI, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Những rủi ro về biến đổi khí hậu chuyển hoá thành thiên tai cùng với ô nhiễm môi trường đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân.
Bám sát các quy định pháp luật, ban soạn thảo đã xác định 4 lĩnh vực quan trọng nhất được thể hiện 4 chỉ số thành phố của PGI với 46 chỉ tiêu thành phần. Theo đó, những địa phương có điểm số cao trong một số chỉ tiêu PGI có chất lượng môi trường tốt hơn hoặc khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu cao hơn.
Từ kết quả khảo sát PGI năm 2023, GS. Edmund Malesky cho biết, với chỉ số thành phần 1 - giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, các tỉnh, thành phố đạt điểm cao được doanh nghiệp đánh giá tích cực không chỉ ở công tác phòng chống mà còn có giải pháp ứng phó với thiên tai, giảm thiểu ô nhiễm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiệt hại.
Chỉ số thành phần 2 - đảm bảo tuân thủ, không chỉ đưa ra quy định thực thi mà đảm bảo doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo công bằng thực thi. Đặc biệt, trong thanh kiểm tra chỉ ra giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục và thực thi đầy đủ trách nhiệm các quy định môi trường.
Chỉ số thành phần 3 - thúc đẩy thực hành xanh đo lường nỗ lực của chính quyền trong hướng dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp “xanh hóa” quy trình sản xuất, kinh doanh và trong đẩy mạnh các hoạt động mua sắm xanh của cơ quan nhà nước tại địa phương. Tại các tỉnh có điểm số cao, trung bình doanh nghiệp đã triển khai trên 5 hoạt động nâng cấp trong năm 2023 đã chi khoảng 2% chi phí vận hành cho các hoạt động này.
Chỉ số thành phần 4 - chính sách khuyến khích và dịch vụ đo lường chất lượng thực thi các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập và mở rộng hoạt động trong các ngành sản xuất, kinh doanh xanh.
Các tỉnh được xếp hạng cao đã đầu tư triển khai ưu đãi thuế, các dịch vụ tư vấn và dịch vụ kỹ thuật nhằm khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp xanh, khuyến khích doanh nghiệp xanh mở rộng quy mô và các doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện chuyển đổi xanh.
Mỗi chỉ số thành phần được gán trọng số bằng nhau là 25%. Do đó, tổng điểm tối đa của Chỉ số PGI là 40 điểm. Thứ hạng của các địa phương được thể hiện từ cao xuống thấp. Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng (25,66 điểm), Đồng Nai (24,71 điểm), Hưng Yên (24,59 điểm) và Thành phố Hồ Chí Minh (24,2 điểm).