Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”. Mục tiêu tổng quát mà đề án đề ra là:
Thứ nhất, tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ 2, triển khai sâu rộng, toàn diện và tăng cường nguồn lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đề án.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến 2021, trên 70% đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh DTTS tại địa bàn Quảng Ninh |
Nhận thức tầm quan trọng của Đề án, những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nhất là ở vùng đồng bào DTTS; chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án.
Đối với riêng năm 2021, nội dung tuyên truyền của tỉnh tập trung vào thực hiện chủ đề công tác năm “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng” của tỉnh; tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện của đất nước, của tỉnh, của cơ quan công tác dân tộc.
Đồng thời, các địa phương còn tập trung tuyên truyền về phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly”; tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc...
Nhiều hình thức phù hợp với bà con DTTS
Hoạt động PBGDPL vùng đồng bào DTTS được các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện với nhiều hình thức, phù hợp với người dân, như: Thông qua tập huấn, hỗ trợ pháp lý, sân khấu hóa, hòa giải cơ sở, tủ sách pháp luật; thông qua đội ngũ trưởng thôn, bản, người có uy tín... Từ đầu năm 2021 đến nay Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, nhân dân một số xã trên địa bàn tỉnh với hơn 400 người tham dự.
Tờ gấp, sổ tay, các bộ tài liệu, tờ rơi, áp phích, đĩa DVD... cung cấp kiến thức về pháp luật được các ngành, địa phương còn tích cực biên soạn. Chỉ trong nửa đầu năm nay, đã có hàng nghìn tài liệu như vậy được phát đến bà con vùng DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh.
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện các phóng sự, bài viết, chuyên đề về vùng đồng bào DTTS, về chính sách trợ giúp pháp lý. Song song với đó là nêu gương những mô hình tiêu biểu, người dân các DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...
Bà con DTTS Quảng Ninh thực hiện quyền bầu cử ngày 23/5 vừa qua |
Về mặt nhân sự, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL, các địa phương luôn quan tâm, nâng cao trình độ, năng lực, động viên tinh thần đội ngũ tham gia công tác PBGDPL vùng đồng bào DTTS. Được biết, theo thống kê hiện tỉnh Quảng ninh có đội ngũ hơn 500 người có uy tín vùng đồng bào DTTS, được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước; hàng năm được các địa phương tập huấn, biểu dương những điển hình...
Có thể nói công tác tuyên truyền, PBGDPL được đẩy mạnh đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, người dân vùng DTTS trong chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cũng từ đó, bà con tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh; khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, có ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Lê Hạnh
Ảnh: Đàm An