Thủ tục không giấy: Đơn giản, nhanh gọn
Giữa năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (Công ty FPT-IS) và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh phối hợp triển khai thử nghiệm nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu. Với nền tảng này, từ tháng 10/2022, tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết.
Theo đó, với dịch vụ công trực tuyến toàn trình đang triển khai, sau khi tiếp nhận TTHC trực tuyến của tổ chức công dân, cán bộ công chức sẽ thẩm định, ký số và trình ký cấp trên thông qua hệ thống chính quyền điện tử. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hay cán bộ được phân cấp phê duyệt cũng sẽ ký phê duyệt bằng chữ ký số và chuyển bộ phận trả kết quả đóng dấu số, trước khi chuyển tiếp kết quả số vào tài khoản dịch vụ công của tổ chức, công dân; hình thức thanh toán trực tuyến cũng được chấp nhận với tất cả các thủ tục, qua nhiều kênh thanh toán khác nhau.
Kết quả giải quyết TTHC được số hóa cũng có giá trị pháp lý tương đương kết quả giải quyết TTHC bằng văn bản giấy, có thể được các tổ chức, cá nhân tái sử dụng trong các công việc liên quan khác.
Đánh giá hiệu quả giải quyết TTHC mà mình vừa trải nghiệm, anh Lương Văn Nghĩa - chủ một vựa hải sản ở TP. Hạ Long cho biết, việc số hóa hồ sơ, kết quả TTHC, triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình khiến doanh nghiệp hết sức thuận lợi. “Với tiện ích này, 100% TTHC của chúng tôi hiện đều không giấy tờ, không phải nộp hồ sơ bản cứng, kết quả online có chữ ký số và dấu số sẽ trả về cho tôi qua hộp thư điện tử. Sau khi nhận được, tôi có thể sử dụng kết quả online đó làm việc tiếp với cơ quan nhà nước khác để hoàn thiện các quy trình thủ tục cần thiết cho hoạt động kinh doanh của công ty mình.
Theo số liệu thống kê, 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tiếp và qua Cổng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đều đã đủ điều kiện triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả theo quy trình 5 bước hoàn toàn trên môi trường điện tử. So với quy định của trung ương, các TTHC của Quảng Ninh sau khi thực hiện số hóa và cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đều được cắt giảm trung bình từ 40-60% về thời gian.
Năm 2023, ở cấp tỉnh, số hồ sơ số hóa đầu vào trên hệ thống một cửa điện tử là trên 53.000 hồ sơ (đạt hơn 70%); số hồ sơ cung cấp kết quả điện tử khoảng 7.000 (9,3%). Ở các TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện đã có gần 86.000 hồ sơ được số hóa từ khâu tiếp nhận đầu vào (đạt 96%); trong đó có khoảng 56.000 hồ sơ được số hóa kết quả (63%). Đối với cấp xã, số hồ sơ số hóa đầu vào gần 160.000 (96%), số hồ sơ cung cấp kết quả điện tử gần 110.000 (66%).
Để nâng tỷ lệ trả kết quả điện tử và tái sử dụng kết quả cho các lần giải quyết TTHC tiếp theo của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Quảng Ninh, năm 2023 các sở, ngành, đơn vị chức năng Quảng Ninh đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho dữ liệu hồ sơ dùng chung; thiết lập các công cụ thao tác trên kho dữ liệu để cán bộ, công dân có thể truy cập hệ thống lưu trữ dữ liệu, khai thác và tái sử dụng…
Đồng thời triển khai đa dạng hóa các dịch vụ số hỗ trợ quá trình giải quyết TTHC; nghiên cứu cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử cho một số TTHC đặc thù (phiếu lý lịch tư pháp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề y, dược, xây dựng, bất động sản…) tích hợp ngay trong bước tiếp nhận hồ sơ TTHC…
Cải cách hành chính: nhiệm vụ thường xuyên, liên tục
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là yếu tố then chốt xuyên suốt các nhiệm kỳ, Quảng Ninh luôn chú trọng CCHC một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả vì sự hài lòng của nhân dân, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn, thông thoáng, thuận lợi.
Để thực hiện các nghị quyết, chương trình về CCHC, đặc biệt là Nghị quyết số 124 NQ-HĐND, ngày 4/11/2022, về một số giải pháp đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2023 Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ CCHC một cách toàn diện trên 6 nội dung, gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sát thực tiễn, năm 2022, lần thứ hai Quảng Ninh đạt vị trí dẫn đầu toàn quốc cả 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAR INDEX, PAPI; trong đó, duy trì 4 năm liên tiếp dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) (2019 - 2022); 4 năm dẫn đầu cải cách hành chính PAR INDEX (năm 2018 - 2020 và 2022) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Năm 2023, Quảng Ninh ghi nhận thêm những thành tựu nổi bật như: Tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết TTHC cao nhất nước…
Đây đều là những kết quả chưa từng có tiền lệ, cho thấy Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ hiệu quả, ngày càng khẳng định thương hiệu, hình ảnh, văn hóa “đồng hành, cam kết, thực thi” của tỉnh Quảng Ninh đối với người dân và doanh nghiệp.
Công Duy