Những mỏ vàng khí đốt
Việc Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thay thế nguồn cung khí đốt của Nga từ những nguồn cung khác đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất khí đốt kể cả lâu đời lẫn mới nổi. Tại Cộng hòa Síp, việc thăm dò khí đốt đã trở thành một ưu tiên chiến lược. Đảo quốc bé nhỏ nằm ở Địa Trung Hải là một quốc gia mới trong lĩnh vực khí đốt. Họ đã phát hiện ra khí đốt ở mỏ ngoài khơi Aphrodite vào năm 2011 được ước tính chứa khoảng 4,4 nghìn tỉ feet khối khí.
Được điều hành bởi Tập đoàn dầu khí lớn là Chevron và Shell cùng với công ty NewMed Energy của Israel, Chevron sẽ sớm trình bày kế hoạch phát triển cuối cùng về lĩnh vực này cho Chính phủ Síp.
Bộ trưởng Năng lượng Síp, ông Natasa Pilides đã chia sẻ với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng châu Âu là điểm đến cho lượng khí đốt chưa được khai thác. Đây là thị trường gần nhất của họ và điều quan trọng là khối này lại đang "khát" khí đốt khi gặp trục trặc trong vấn đề nguồn cung từ Nga.
"Châu Âu là một khách hàng tiềm năng đối với khí đốt của Síp. EU đã xác nhận rằng, khí đốt tự nhiên sẽ vẫn là nhiên liệu cầu nối cho đến năm 2049 như một phần của quá trình chuyển đổi xanh. Vì vậy các công ty có thể yên tâm với những hợp đồng khí đốt tự nhiên dài hạn của mình", ông Pilides cho biết thêm.
Ngoài ra ý định của EU trong việc từ bỏ khí đốt của Nga sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine chấm dứt sẽ thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các nhà cung cấp khí đốt khác thúc đẩy xuất khẩu vào khối này.
Thực tế mỏ Aphrodite không phải là mỏ duy nhất được phát hiện tại quốc gia này. Vào hồi đầu năm nay, Công ty Eni của Ý và TotalEnergies của Pháp đã bắt đầu khoan khí đốt ở một địa điểm ngoài khơi và mang lại tiềm năng đáng kể.
Một mỏ khác có tên gọi Glaucus, đã cho thấy nguồn tài nguyên ước tính sẽ là từ 5.000 – 8.000 tỷ feet khối. Mỏ này được phát hiện bởi Công ty Exxon, hợp tác với Qatar Petrolium vào năm 2019. Giờ đây hai công ty lớn của châu Âu cũng đang bắt đầu khoan thăm dò trở lại tại đây.
Phát hiện thứ 3 về khí đốt tại Síp có tên Calypso, với nguồn tài nguyên được ước tính ngang ngửa với Glaucus, cũng được phát hiện bởi Eni và TotalEnergies. Tuy nhiên việc chuyển đổi Síp thành một trung tâm khí đốt lớn của khu vực đã bị tụt hậu so với động lực cung và cầu.
Châu Âu sẽ phải chờ đợi bao lâu?
Theo báo cáo của Reuters từ năm 2020, việc phát triển mỏ khí đốt Aphrodite đã bị trì hoãn do các đối tác vận hành mỏ này đang đàm phán lại thỏa thuận chia sẻ sản lượng của họ với chính phủ Síp. Còn tại Glaucus, vấn đề dường như là không có đủ nguồn lực cho các kế hoạch của Exxon đối với lĩnh vực này.
"Thị trường nội địa cũng như cơ sở hạ tầng xuất khẩu hiện nay còn rất hạn chế. Khối lượng ở đây có vẻ không đủ để ExxonMobil và đối tác Qatar Petroleum biến thành 2 đầu tàu liên kết trong quan hệ đối tác." Ông Robert Morris, nhà phân tích cấp cao của Wood Mac chia sẻ với Reuters vào năm 2020.
Mọi thứ chắc chắn đã thay đổi kể từ đó. Mặc dù cơ sở hạ tầng có thể còn thiếu nhưng nhu cầu đối với bất kì loại khí đốt nào không phải từ Nga đã tăng đột biến. Điều này có thể làm thay đổi tình hình kinh tế của Síp thông qua khí đốt tại quốc gia này.
Tuy nhiên để thực hiện được kế hoạch chiến lược đó thì còn rất nhiều những thách thức phía trước. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ không mấy hài lòng với việc Síp phát triển các nguồn khí đốt, việc tranh chấp kéo dài giữa Síp và Thổ Nhĩ Kì vốn là một vấn đề "đau đầu" với Síp từ trước tới nay.
Vấn đề về cơ sở hạ tầng xuất khẩu khí đốt cũng đang là một dấu chấm hỏi đối với quốc gia này. Hiện tại, Công ty Energean đang có ý định về việc xây dựng một đường ống dẫn từ các mỏ ngoài khơi của Israel đến Síp và sau đó kết nối đường ống này với một tàu sản xuất LNG nổi, sử dụng khí đốt từ Israel và Síp.
Sẽ phải mất thêm thời gian vài năm nữa trước khi Síp bắt đầu khai thác khí đốt từ tất cả những phát hiện quan trọng này. Khí đốt từ mỏ Aphrodite dự kiến sẽ được "xuất xưởng" vào năm 2027, đường ống của công ty Energean có thể được hoàn thành vào năm 2026. Từ giờ cho đến lúc đó, châu Âu sẽ phải tìm kiếm khí đốt ở những nơi khác.
(Theo Reuters/ Oilprice/ Nhịp sống kinh tế)