Quốc hội chiều nay (15/6) đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 (chiếm 90,16%) ĐBQH tán thành. Luật có 8 chương, với 48 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Điện ảnh là việc phổ biến phim trên không gian mạng.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra giải trình, tiếp thu về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phổ biến phim trên không gian mạng theo điều 21 của luật có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, đa số ĐBQH và các cơ quan, tổ chức đề nghị kết hợp biện pháp tiền kiểm với hậu kiểm.
Biện pháp tiền kiểm bao gồm quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến.
Biện pháp hậu kiểm bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương thức kiểm soát này có ưu điểm là bảo đảm cơ chế kiểm soát linh hoạt việc phổ biến phim trên không gian mạng; vừa đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan vừa gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ vào kiểm soát, ngăn chặn phim vi phạm. Phù hợp với điều kiện nhân lực, tài chính, phương tiện kỹ thuật thực tế ở nước ta và xu thế quản lý trên thế giới.
Tuy nhiên, thực hiện theo phương án này có thể không kiểm soát tuyệt đối, phát hiện kịp thời tất cả vi phạm từ đầu mà phải tăng cường, thường xuyên rà soát, sử dụng công nghệ để hậu kiểm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm như đã nêu trên.
Loại ý kiến thứ hai, một số cơ quan và ĐBQH đề nghị thực hiện biện pháp tiền kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Theo đó, tất cả phim trước khi phổ biến trên không gian mạng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Ưu điểm của phương án này là kiểm soát chặt chẽ từ đầu toàn bộ nội dung phim trước khi phổ biến, giảm thiểu các bộ phim có nội dung không phù hợp trên không gian mạng. Hạn chế của phương án này là điều kiện hiện nay về nhân lực và kỹ thuật chưa cho phép thực hiện kiểm soát tất cả phim trước khi phổ biến; số lượng phim phổ biến trên không gian mạng được dự báo rất lớn, đặt ra yêu cầu rất cao về bộ máy, nhân lực, kỹ thuật để thực hiện.
Sau phiên thảo luận ngày 25/5, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ nhất (tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm) là phù hợp.
Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo điều 13 của luật, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, vấn đề này cũng có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất là đồng ý với phương án yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Trong thực tiễn, nhiều bộ phim nước ngoài chỉ thực hiện một số cảnh quay tại Việt Nam. Do đó, việc đề nghị cung cấp kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết nội dung quay ở Việt Nam giúp cơ quan quản lý nhà nước bám sát được các yếu tố nhạy cảm, đồng thời tạo thuận lợi, khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam.
Đối với phim có phần lớn hoặc toàn bộ cảnh quay tại Việt Nam thì kịch bản chi tiết các cảnh quay ở Việt Nam gần như là kịch bản chi tiết của toàn bộ phim, do đó được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Loại ý kiến thứ hai là đồng ý với phương án yêu cầu cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ) vì cho rằng kịch bản tóm tắt phim chưa thể hiện toàn bộ nội dung phim. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc cung cấp kịch bản đầy đủ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước đánh giá tổng thể nội dung kịch bản phim, thẩm định, quản lý nội dung phim, bảo đảm các yêu cầu về chính trị, quốc phòng, an ninh. Và phương án này được Chính phủ lựa chọn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cả hai phương án đều có thể có những rủi ro trong kiểm soát nội dung phim, do kịch bản phim sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép vẫn có thể bị thay đổi.
Dự thảo Luật đã quy định dù thực hiện theo phương án nào thì tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ quay phim có sử dụng bối cảnh tại Việt Nam đều phải cam kết bằng văn bản không vi phạm các quy định về những nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh...
Theo định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, việc xây dựng các chính sách phù hợp, tạo thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư làm phim nước ngoài sử dụng dịch vụ và cảnh quay phim ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh, các ngành dịch vụ liên quan, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Ngày 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến, kết quả đa số ĐBQH lựa chọn phương án một Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt.
Trần Thường
Tiền kiểm phim trên không gian mạng để không bị xâm lấn bởi tư tưởng độc hại
Nước ngoài làm phim tại Việt Nam: Không nắm kịch bản đầy đủ, hậu quả ai chịu?
Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng nay (29/3) các đại biểu thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây.
Học quốc tế cách phân loại phim, 'không thể một mình một kiểu'
Cuối phiên họp sáng nay (22/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).