Ngày 13/5, Ủy ban Thường vụ tiếp tục họp phiên thứ 23 cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Trình bày tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp được bố trí thành 2 đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Lý do hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đồng thời là để bảo đảm điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, việc biểu quyết các nội dung của kỳ họp.
Theo đó, đợt 1, Quốc hội họp tập trung 17 ngày, từ ngày 22/5 đến ngày 10/6, Quốc hội cơ bản thảo luận xong các nội dung.
Sau đó Quốc hội nghỉ 1 tuần để các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thời gian cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương.
Đợt 2, Quốc hội họp 5 ngày, từ ngày 19-23/6. Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày; khai mạc vào ngày 22/5 và bế mạc vào ngày 23/6.
Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm công tác nhân sự ngay trong ngày khai mạc.
Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua một số dự luật: Luật Giá (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…
Ngoài ra, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua một số Nghị quyết quan trọng: Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM...
3 dự luật đang chờ xin ý kiến Bộ Chính trị
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, có 3 nội dung Chính phủ mới trình, Ủy ban Thường vụ chưa kịp xem xét cho ý kiến nên chưa được đưa vào dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5.
Đó là dự thảo Nghị quyết về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
Hai là dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Ba là tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số kiến nghị.
Đối với 3 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 4/2023 và thấy rằng hồ sơ tài liệu cơ bản đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3 dự luật này đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Hiện nội dung này đang chờ xin ý kiến Bộ Chính trị. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nếu Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (tại Kỳ họp thứ 5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bổ sung vào chương trình kỳ họp trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Do đó, trong dự kiến chương trình kỳ họp trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị chưa thể hiện 3 dự án luật này.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tất cả các nội dung dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5.
Bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung còn dang dở cần sớm hoàn tất hồ sơ, cũng như tiến hành thẩm tra chính thức để gửi hồ sơ, tài liệu, báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội rà soát lại toàn bộ nội dung, lưu ý đối với những nội dung chưa bảo đảm đầy đủ yêu cầu về thủ tục, quy trình, chưa tổ chức thẩm tra toàn thể cần sớm xem xét, bố trí lịch để tổ chức thực hiện, gửi tài liệu sớm cho đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội ngay sau phiên họp cần rà soát để có văn bản thông báo các việc còn chậm, nêu rõ thời hạn cuối cùng, giao việc cho các cơ quan hữu quan, cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Trong đó nêu rõ nguyên tắc không xem xét, không đưa vào chương trình kỳ họp các nội dung quá thời hạn, không đủ điều kiện để bảo đảm kỷ luật thực hiện quy định của pháp luật.