"Một thanh sắt được mua, mỗi thùng sơn được đặt mua hay là một phương án thiết kế, tất cả là tiền và thời gian, là cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Trước khi ban hành quy chuẩn, các bộ ngành nên đi khảo sát thực tế để quy chuẩn sát với đời sống".
LỜI TOÀ SOẠN
Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào.
VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh thực tế trên nhiều địa phương cũng như ý kiến từ cơ quan quản lý xung quanh vấn đề này.
Sau khi VietNamNet đăng tải ý kiến chính thức của Cục PCCC & CNCH (Bộ Công an) trả lời về những vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện quy định mới về PCCC theo QCVN 06, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến phản hồi.
Không nên đưa doanh nghiệp ra thí nghiệm
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho rằng, sau một thời gian thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 06:2020/BXD) về An toàn cháy cho nhà và công trình (ban hành tháng 4/2020, hiệu lực thi hành từ 1/7/2020), nhận thấy có một số điểm chưa phù hợp thực tiễn, tháng 5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD, thay thế QCVN 06:2020/BXD.
Tiếp đó, tháng 11/2022, Bộ Xây dựng lại ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD. Nội dung QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp còn vướng mắc.
Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hải Phòng cho rằng: “Nói quy chuẩn cuối cùng đã giảm bớt các yêu cầu là tháo gỡ, nhưng thực chất nhà chức trách phải sửa chính các bất cập cho hai quy chuẩn trước đó".
Vị này cho rằng, "hai quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành trước đó gây nhiều khó khăn, bất cập cho người thực hiện trong vòng 18 tháng. Bao nhiêu người phải đi học, đi tập huấn, bao nhiêu doanh nghiệp đã đầu tư theo quy chuẩn bị thay thế? Chưa tính là nhiều công trình đã làm dở dang mà nguy cơ không thể nghiệm thu, hoặc khó nghiệm thu".
"Một thanh sắt được mua, 1 thùng sơn được đặt hay là một phương án thiết kế vẽ ra, tất cả là tiền và thời gian, là cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải nơi để thí nghiệm, đúng thì để, chưa phù hợp lại sửa, mà tôi tin chắc rồi tới đây, có thể phải sửa tiếp”, ông bày tỏ.
Ông mong muốn, trước khi ban hành quy chuẩn, các bộ ngành nên tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện hiệp hội bằng cách đi khảo sát thực tế để quy định, quy chuẩn sát với đời sống, có tính khả thi cao, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Doanh nghiệp cho rằng, ngay Thông tư 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, bên cạnh một số vấn đề được tháo gỡ (so với QCVN 06:2021) thì không ít bất cập vẫn hiện diện ngay tại quy chuẩn đã điều chỉnh này.
Đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động đã được Cảnh sát PCCC thẩm duyệt, cấp giấy chứng nhận nghiệm thu PCCC và đã đưa công trình vào sử dụng, trong quá trình kiểm tra định kỳ, cảnh sát yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện cải tạo khắc phục các hạng mục công trình đã được nghiệm thu PCCC trước đó theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.
Một số quy định rất khó áp dụng đối với các doanh nghiệp hiện hữu nhưng muốn cải tạo một phần công trình thì phải cải tạo toàn bộ công trình.
Ví dụ, tiêu chuẩn chống cháy cho vách, cột, dầm, xà để cải tạo sẽ phải làm lại phương pháp ngăn cháy, việc này có thể phải dừng cả dây chuyền sản xuất trong vài tháng, gây thiệt hại rất lớn cho DN.
Như vậy, dẫn đến sự không nhất quán trong công tác nghiệm thu PCCC đưa công trình vào sử dụng và công tác kiểm tra định kỳ PCCC trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Vật liệu khan hiếm, thiếu hướng dẫn thực hiện
Các doanh nghiệp cũng chỉ rõ những điểm mà cơ quan chức năng cần xem xét, làm rõ, ban hành hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp nắm được để triển khai.
Điển hình, nhiều loại tấm ốp kích thước kiểm định chưa phù hợp với kích thước công trình hiện hành của đặc thù thi công nhà xưởng công nghiệp Việt Nam.
Từ thực tiễn thực hiện quy định PCCC mới, doanh nghiệp nhận thấy: Hồ sơ giải pháp công trình chỉ yêu cầu giới hạn bậc chịu lửa, còn làm thế nào để đạt được giới hạn bậc chịu lửa đó thì chưa thấy hướng dẫn.
Đại diện một công ty khác cũng ở Hải Phòng cũng dẫn chứng: Theo quy chuẩn mới, yêu cầu doanh nghiệp sử dụng giải pháp lớp bảo vệ chống cháy chủ động như lớp bảo vệ dạng phun trát (vữa chống cháy), hoặc lớp bảo vệ dạng tấm ốp (thạch cao, tấm chống cháy) để nâng cao bậc chịu lửa.
"Thực tế, các chất liệu này chưa phổ biến trong thi công, chi phí thi công cao gấp nhiều lần. Muốn mua phải nhập khẩu, chờ đợi. Hơn nữa, việc đi tìm nhà cung cấp các vật liệu đó đang khó như đi lên trời", đại diện doanh nghiệp than thở.
Một doanh nghiệp cho biết, dù đã lắp hệ thông báo cháy tự động trong nhà máy nhưng theo quy định mới thì phải lắp thêm hệ thống cảnh báo thông minh. Quy chuẩn đưa ra mà không phân loại ngành nghề, tình huống.
Hiện nay, doanh nghiệp muốn kiểm định công trình phải mang cấu kiện đi về các cơ quan chuyên môn của bộ, cấp địa phương chưa thể làm.
“Chưa kể, nhân lực phụ trách việc kiểm định của Cục đang có hạn, chỉ hơn 20 người; trong khi phải kiểm định cho cả nước. Với chu trình và thủ tục như trên đang là bất cập rất lớn, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và cơ hội sản xuất cho doanh nghiệp và tổ chức liên quan. Việc này cũng gây lo ngại nảy sinh lợi ích nhóm”, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hải Dương lo lắng.