Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU có hiệu lực từ hôm nay, áp dụng cho các hãng công nghệ đáp ứng một số tiêu chí “người gác cổng” và buộc họ phải mở cửa các dịch vụ, nền tảng cho những công ty khác.
Theo Macrumors, Apple gần như chắc chắn xếp vào loại “người gác cổng” do quy mô lợi nhuận của hãng tại EU, quyền sở hữu và vận hành các nền tảng có lượng người dùng tích cực lớn và vị thế “vững vàng, lâu bền” căn cứ theo thời gian đáp ứng những tiêu chí. Vì vậy, nhà sản xuất iPhone nhiều khả năng là đối tượng thi hành quy định mới trong DMA.
DMA có thể buộc Apple thực hiện một số thay đổi lớn trong cách vận hành App Store, Messages, FaceTime, Siri tại châu Âu. Chẳng hạn, “táo khuyết” có thể bị buộc cho phép người dùng cài đặt chợ ứng dụng ngoài và sideload ứng dụng, cho nhà phát triển khả năng liên thông với dịch vụ riêng của Apple, quảng bá dịch vụ của họ bên ngoài App Store và sử dụng hệ thống thanh toán của bên thứ ba, truy cập dữ liệu do Apple thu thập.
Một trong những bổ sung mới của DMA là yêu cầu liên thông các dịch vụ nhắn tin, gọi thoại và gọi video. Về mặt lý thuyết, nó đồng nghĩa với các ứng dụng Meta như WhatsApp hay Messenger có thể gửi yêu cầu liên thông với framework iMessage và Apple buộc phải chấp hành tại châu Âu.
Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất DMA vào tháng 12/2020 và được Thượng viện, Hội đồng châu Âu chấp thuận vào tháng 3/2022. DMA bước vào giai đoạn thi hành 6 tháng trước khi bắt đầu áp dụng vào ngày 2/5/2023. Sau đó, trong vòng 2 tháng và muộn nhất vào ngày 3/7/2023, những “người gác cổng” tiềm năng sẽ phải thông báo cho EC về việc các nền tảng lõi của họ đã đáp ứng những ngưỡng mà DMA đặt ra hay chưa.
Một khi EC nhận được thông tin hoàn chỉnh, họ sẽ có 45 ngày làm việc để đánh giá công ty có đáp ứng các ngưỡng không và chỉ định họ là “người gác cổng”. Sau đó, “người gác cổng” có 6 tháng để tuân thủ yêu cầu trong DMA, muộn nhất vào ngày 6/3/2024.
Trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch điều hành Margethe Vestager khẳng định DMA sẽ thay đổi toàn diện thị trường kỹ thuật số. EU đang áp dụng cách tiếp cận chủ động nhằm bảo đảm các thị trường kỹ thuật số công bằng, minh bạch và có thể cạnh tranh.
Nếu Apple được chỉ định là “người gác cổng”, họ phải thực hiện các thay đổi quan trọng đối với hai hệ điều hành iPhone, iPad. Vào tháng 3, trước khi luật được thông qua, Apple bày tỏ lo lắng trước một số điều khoản trong DMA sẽ tạo ra lỗ hổng bảo mật và quyền riêng tư không cần thiết cho người dùng.
Apple cũng đang đối mặt với một số quy định tương tự tại Mỹ. Các nhà lập pháp Hạ viện vào tháng 6 giới thiệu dự luật chống độc quyền, có thể thay đổi đáng kể ngành công nghệ nếu được phê duyệt.
Du Lam (Theo MacRumors)