Tốt nghiệp trường quân sự Saint Cyr năm 1912, De Gaulle tham gia Thế chiến thứ nhất, 3 lần bị thương và từng bị quân Đức bắt làm tù binh. Trong thập niên 1920-1930, quan điểm chiến thuật sử dụng xe thiết giáp phối hợp với máy bay chiến đấu do ông đề xuất không được thừa nhận. Do vậy, suốt 20 năm cho tới khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, De Gaulle chỉ là một trung tá.
Ngày 17/5/1940, sư đoàn 4 thiết giáp do De Gaulle chỉ huy không có máy bay khu trục yểm trợ, vẫn quyết tâm tấn công và buộc quân Đức phải rút lui tại Caumont. Đây là một trong số rất ít các chiến thắng của quân đội Pháp trong suốt cuộc chiến.
Nhờ chiến thắng Caumont, De Gaulle được thăng thiếu tướng - quân hàm chính thức cao nhất ông có được để từ đây được gọi là "Tướng De Gaulle"; đồng thời được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Chiến tranh. Vì chỉ là một quan chức cấp thấp trong Chính phủ Pháp, De Gaulle đã không thành công trong việc thuyết phục chính phủ di tản qua Bắc Phi để tiếp tục chiến đấu.
Ngày 5/6/1940, quân Đức tiến về phía Paris như bão táp. Chính phủ Pháp tuyên bố “bỏ ngỏ” thủ đô và chạy về Bordeaux. Thủ tướng Anh Churchill đưa ra đề xuất kí kết “liên minh Anh-Pháp”, theo đó Anh và Pháp sẽ trở thành một quốc gia thống nhất. Chính phủ Pháp bị chia rẽ thành 2 nhóm. Nhóm do Thủ tướng Reynaud cầm đầu sẵn sàng giao nước Pháp cho Anh, trong khi nhóm do Thống chế Pétain cầm đầu muốn đầu hàng Đức và cho rằng “thà làm một tỉnh quốc xã còn hơn là một xứ tự trị của Anh”.
Ngày 16/6/1940, Thủ tướng Reynaud từ chức. Pétain lên thay, ngày 22/6/1940 kí với Đức hiệp ước đầu hàng. Theo đó, Pháp bị tước vũ trang, hơn 3/4 lãnh thổ bị Đức chiếm đóng và Pháp phải nuôi toàn bộ quân đội chiếm đóng Đức. Trong tình hình đó, tướng De Gaulle đã thực hiện quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời ông và trong lịch sử mới của Pháp: Từ chối chấp nhận đầu hàng, chống lại chính quyền Pétain.
Sáng 17/6/1940, với 100.000 franc do Paul Reynaud giao cho trước khi từ chức, De Gaulle lên máy bay, tránh được sự truy lùng của máy bay Đức và chiều hôm đó hạ cánh xuống London (Anh), bắt đầu sống lưu vong. Dựa vào đông đảo các tầng lớp nhân dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống xâm lược, De Gaulle đã tập hợp các thành phần người dân Pháp ở nước ngoài đoàn kết để chống lại quân Đức.
Cũng từ đây bắt đầu cuộc nội chiến Pháp giữa chính phủ Pétain đứng về phe Trục và phong trào Nước Pháp tự do do De Gaulle đứng đầu bác bỏ thỏa hiệp và tham gia vào các lực lượng Đồng minh chống phát xít. Từ London, De Gaulle hiệu triệu nhân dân Pháp tiến hành cuộc kháng chiến chống phát xít Đức: “Nước Pháp không thua! Tôi yêu cầu các sĩ quan và binh lính Pháp có đem theo vũ khí hay không, đã hoặc sắp tới nước Anh, hãy liên lạc với tôi! Dù thế nào đi nữa, ngọn lửa kháng chiến của nước Pháp không bao giờ bị dập tắt”.
Khi quân Đồng minh đổ bộ lên Bắc Phi vào giữa năm 1943, được sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, De Gaulle thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc, đặt trụ sở ở Algiers (thủ đô Algeria). Tháng 9/1944, ông thành lập chính phủ lâm thời. Do mâu thuẫn nội bộ, năm 1946, De Gaulle từ chức. Đến năm 1958, ông được tín nhiệm với số phiếu rất cao trong cuộc tổng tuyển cử, trở thành Tổng thống đầu tiên nền Cộng hòa thứ 5 của nước Pháp và nắm quyền cho tới năm 1969.
Về hưu, De Gaulle về sống tại một vùng quê, chỉ nhận lương quân đội chứ không nhận bổng lộc của một cựu nguyên thủ quốc gia. Trước khi mất, ông đề nghị không làm quốc tang, chỉ mong sự hiện diện của bạn bè.
Charles de Gaulle là nhà quân sự tài ba, nhà văn hóa, một con người dũng cảm, có tầm nhìn rộng lớn về vận mệnh nước Pháp. Theo đánh giá của giáo sư Pierre Journoud, tướng De Gaulle “chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của mọi người xung quanh. Nhưng ông vẫn luôn có những quyết định sáng suốt với vận mệnh nước Pháp”.
Nguyên Phong
Xem thêm tin quân sự quốc tế trên báo VietNamNet