Chuyển đổi số đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân
Du khách khi đến thành phố Đà Nẵng, muốn tìm hiểu về 1 nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có đảm bảo hay không có thể tra cứu thông tin qua Zalo của Tổng đài 1022 hoặc nhắn tin theo cú pháp “ATTP [dấu cách] tên nhà hàng” gửi tới số 8188, hệ thống sẽ gửi lại thông tin nhà hàng đó đã được cấp giấy phép an toàn thực phẩm chưa và có tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm không.
Không những thế, người dân Đà Nẵng hiện còn có thể tra cứu hàng trăm dịch vụ tiện ích khác như thông tin xe buýt, cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ vận tải, thông tin các trường học, trung tâm ngoại ngữ, giá đất đô thị, giá đất nông nghiệp, dịch vụ công trực tuyến…
Để cung cấp được các dịch vụ tiện ích một cách thuận tiện cho người dân như trên, đồng thời có dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của thành phố, từ năm 2020, Đà Nẵng đã khởi động giai đoạn 1 của kho dữ liệu dùng chung thành phố. Đến nay, đã tích hợp về kho dữ liệu dùng chung 9 nguồn dữ liệu.
Trên cơ sở kho dữ liệu được làm sạch, chuẩn hóa, các cơ quan, địa phương đã tích cực khai thác, sử dụng để cung cấp dịch vụ số, tạo ra giá trị mới. Từ kho dữ liệu này, Đà Nẵng đã mở dữ liệu của cơ quan nhà nước, cung cấp gần 600 dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác thông qua API, SMS, Zalo, Web.
Theo chia sẻ của Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh, chuyển đổi số là bước tiếp theo của thành phố trong quá trình triển khai đề án đô thị thông minh. Thành phố xác định rõ hạ tầng, dữ liệu, thông minh là 3 thành phần quan trọng của chuyển đổi số. Quá trình này, tầm nhìn của lãnh đạo, các chủ trương, chính sách đóng vai trò định hướng và quyết định trong triển khai, là yếu tố tiên quyết.
Cùng với Đà Nẵng, những năm qua, Thừa Thiên Huế cũng đã đạt được nhiều thành quả trong quá trình đưa công nghệ hỗ trợ công tác quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2020 do Bộ TT&TT đánh giá, Thừa Thiên Huế xếp thứ 2 toàn quốc về chỉ số tổng thể và cũng giữ vị trí thứ 2 về phát triển chính quyền số. Kết quả này có được phải kể đến mô hình vận hành hiệu quả ứng dụng Huế-S, kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Hoạt động chính thức từ tháng 5/2019, Huế-S được xây dựng với định hướng vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân doanh nghiệp, vừa ứng dụng Chính quyền số phục vụ chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tỉnh. Sau 3 năm phát triển, Huế-S đã trở thành ứng dụng quen thuộc với mọi người dân cố đô. Theo số liệu của Bộ TT&TT, Huế-S đã có 793.050 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có dùng smartphone với thời gian sử dụng trung bình 34 phút 52 giây mỗi người/ngày. Tính riêng năm 2021, đã có 17.371.225 lượt truy cập ứng dụng.
Là dịch vụ được triển khai đầu tiên trên Huế-S để giải quyết bất cập trong việc người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng, dịch vụ phản ánh hiện trường của Thừa Thiên Huế đã tạo dựng được lòng tin với người dân, doanh nghiệp. Người dân đã tích cực phản ánh các vấn đề của xã hội tới chính quyền. 193 cơ quan nhà nước và 33 tổ chức doanh nghiệp cùng tham gia xử lý 58.000 phản ánh, kiến nghị của người dân.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn, việc triển khai thành công ứng dụng Huế-S xuất phát trên quan điểm lấy người dân làm trung tâm. Mô hình cũng đã khẳng định vai trò của người định hướng là lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương.
Điểm mấu chốt ở đây chính là quan điểm chỉ đạo “Biến phản ánh người dân thành ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh để các đơn vị phải thực hiện”, ông Nguyễn Xuân Sơn cho hay.
Bên cạnh những địa phương mà chuyển đổi số đã thu được những kết quả rõ nét như Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế, thời gian hơn 2 năm qua cũng ghi nhận nỗ lực của nhiều địa phương trong tiến trình chuyển dịch các hoạt động lên môi trường số như Bình Dương, Bình Phước, Thái Nguyên, Lạng Sơn…
Đơn cử như, với Lạng Sơn, là tỉnh nghèo và nhỏ, tại thời điểm ra quân phát triển kinh tế số của tỉnh hồi tháng 7/2021, ông Hồ Thiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh này đã khẳng định: “Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội”.
Từ đặc thù của địa phương mình, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã xây dựng Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 5 trụ cột chính gồm chuyển đổi số của tỉnh gồm chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số.
Đến nay, theo lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả chuyển đổi số đã tác động rất mạnh mẽ đến đời sống người dân, đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế xã hội địa phương.
“Chuyển đổi số đã có sự đóng góp rất quan trọng vào việc nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn”, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay.
Chuyển đổi số trước tiên là việc của người đứng đầu
Có thể thấy, điểm chung của những địa phương đang nổi lên như những điểm sáng về chuyển đổi số là sự quyết liệt của người đứng đầu; là việc chú trọng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của mọi hoạt động cũng như trong việc chọn những vấn đề, bài toán đang là “nỗi đau” của địa phương để giải quyết.
Về vai trò của người đứng đầu trong chuyển đổi số, lãnh đạo Bộ TT&TT đã nhiều lần nhấn mạnh, chuyển đổi số là việc của người đứng đầu và người lãnh đạo cao nhất phải là người đi đầu, là nhân tố chính trong hoạt động chuyển đổi số.
“Cẩm nang chuyển đổi số” do Bộ TT&TT phát hành nêu rõ: “Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là người đứng đầu tổ chức, có tầm nhìn, thiết lập được sứ mệnh cho tổ chức, có niềm tin là công nghệ số, chuyển đổi số giúp giải quyết những vấn đề nhức nhối của tổ chức mình và kiên định với mục tiêu đặt ra. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số không nhất thiết và không cần phải hiểu về công nghệ số. Điều quan trọng nhất với nhà lãnh đạo là biết đặt ra bài toán. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là người có khát vọng thay đổi, là người dám chấp nhận cái mới và dám cho cái mới một cơ hội”.
Trao đổi tại Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 hồi cuối tháng 5, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch FPT khẳng định rằng người đứng đầu, nhà lãnh đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số: “Mỗi tỉnh thành, mỗi địa phương và doanh nghiệp cần tìm ra cho mình một nhà lãnh đạo chuyển đổi số có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng và thúc đẩy kết nối để toàn bộ tổ chức, cá nhân cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động”.
Từ thực tế triển khai tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, có 4 yếu tố quan trọng trong xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số là Lãnh đạo, Liên kết, Lực lượng, Lâu dài. Và ở giai đoạn đầu, khi chuyển đổi nhận thức, đặt nền tảng cho chuyển đổi số, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình nhận định, ở giai đoạn hiện nay, vai trò người lãnh đạo cực kỳ quan trọng – là người đặt ra chủ trương, dẫn dắt, người quyết định những giải pháp cụ thể, thậm chí là tìm kiếm nguồn lực để triển khai.
Vân Anh