Sống trong một tòa chung cư được xây cách đây 5 năm với cơ sở vật chất đầy đủ, điều khiến tôi cảm thấy thoải mái nhất chính là khu vực đổ rác nằm biệt lập của mỗi tầng. Muốn vứt rác, tôi chỉ cần mang đến đó, bỏ vào đường ống thẳng tuột xuống phòng chứa, không phải mất công mang đến tận điểm tập kết hay xe rác. Thế nhưng với quy định mới từ Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, chắc chắn tôi cần thay đổi thói quen này của mình, dù có phần phức tạp hơn.
Nhà chung cư có đặc điểm mỗi sàn (tầng) bao gồm nhiều căn hộ, 2-3 thang máy, phòng kỹ thuật và phòng đổ rác. Trước kia ở trọ, tôi thường phải mang rác xuống tận xe rác theo một giờ cố định, hoặc “tập kết” tại một điểm được mặc định là điểm chứa rác, đợi xe tới hốt, dù cho điểm đó ngay mặt ngõ, gốc cột điện, gần hàng ăn… Bây giờ, vào bất kì thời điểm nào trong ngày, tôi chỉ việc mang túi rác trong nhà đến thẳng phòng đổ rác của tầng. Rác rơi xuống phòng chứa chung, ngày hôm sau sẽ có người đổ. Đây là điểm thoải mái không thể phủ nhận với cư dân ở nhà chung cư.
Tuy nhiên, kể từ ngày 25/8, việc thu gom rác tiện lợi này sẽ gặp phải “rào cản”. Đó chính là quy định về việc xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải sinh hoạt từ đầu nguồn, không sử dụng bao bì đựng chất thải sinh hoạt.
Nhiều người cho rằng, việc này khó thực hiện, bởi việc phân loại rác từ nguồn cần được triển khai đồng bộ, có quy trình cụ thể và kĩ thuật, hạ tầng thu gom rác phải đáp ứng điều này. Đặc biệt, khi có quy định xử phạt với người không phân loại rác tại nguồn, các cơ quan, chính quyền cần hướng dẫn tới tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, truyền thông để người dân nắm bắt chủ trương, quy định này. Như hiện nay, người dân không biết và cũng không được tuyên truyền, hướng dẫn.
Theo tôi, việc hướng dẫn chỉ là sớm muộn, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Nếu mọi người tự nhận thức được phân loại rác là quan trọng thì có thể tìm hiểu cách phân loại trên mạng internet trong lúc chờ đợi quy định cụ thể. Ví dụ rác hữu cơ dễ phân huỷ, rác thải khó phân huỷ, rác tái chế… là những kiến thức dễ dàng tìm thấy qua sách đài, báo chí…
Đối với hạ tầng cơ sở, chúng ta không thể đổ lỗi vì nơi mình sinh sống không có đủ hạ tầng để không thực hiện quy định của pháp luật. Chẳng hạn ở chung cư, nếu chỉ có một đường ống vứt rác cố định, người dân sẽ phân loại rác ngay từ nhà mình, bỏ mỗi loại vào một túi đựng khác nhau rồi dán nhãn loại rác lên trên túi đó. Khi rác xuống phòng tập kết, công nhân vệ sinh dựa vào nhãn dán trên túi để phân loại vào các xe khác nhau, đưa ra những điểm xử lý khác nhau. Thức ăn thừa, hỏng bỏ chung vào một túi, đồ nhựa, thuỷ tinh tái chế được bỏ vào một túi, đồ khó phân huỷ như nhựa, cao su,… lại một túi khác. Món nào còn sạch sẽ, không nhiều thì gom lại đợi vài ngày vứt một lần.
Thay vì nấu nhiều đồ ăn rồi bỏ đi lãng phí, ta tính toán lại để sao cho không để dư thừa. Đồ vật nào cần thiết thì mới mua, đồ không cần thiết mà vẫn còn giá trị sử dụng thì làm sạch, sửa chữa rồi đem tặng cho, từ thiện; đồ tái chế được thì tái chế để tiếp tục sử dụng… Có hàng trăm cách để giảm thiểu lượng rác thải trong chính gia đình mình.
Trường hợp không muốn tự mình phân loại, tôi nghĩ toà nhà có thể thuê một vài người lao công làm nhiệm vụ phân loại rác tại điểm tập kết, chi phí sẽ do cư dân cùng chi trả. Thế nhưng việc này khó thực hiện bởi khi rác đã bị dồn chung vào một chỗ, nếu mở ra phân loại sẽ khá mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường xung quanh. Chưa kể chưa chắc đã có đủ thời gian và diện tích cho người lao công làm việc này.
Nói tóm lại, để thay đổi một thói quen lâu đời cần rất nhiều thời gian, cũng như chắc chắn sẽ gặp phải nhiều sự phản đối. Nhưng nhìn xa hơn, để thế hệ con cháu chúng ta có được một thói quen tốt, được sống trong một môi trường trong lành, sạch đẹp, không bị ảnh hưởng bởi rác thải, sức khoẻ được đảm bảo thì mọi cố gắng đều rất xứng đáng.
Bạn đọc Minh Hằng
***
Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến, bài viết của mình về các vấn đề quan tâm theo địa chỉ: banbandoc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!