Tại chương trình Đối thoại của báo VietNamNet hôm 6/12, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup, thừa nhận Apax English đã phát triển quá nóng.
Doanh nhân gốc Hà Nội cho biết, từ giữa năm 2019, ông có kế hoạch giảm chi phí vay, tái cấu trúc từ vay nợ sang gọi vốn và tiếp xúc các quỹ đầu tư vào năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra và kế hoạch đó cũng bị thay đổi.
Trên đà chiến thắng, doanh nghiệp đi khá nhanh và đã gặp cú vấp khá lớn. Đây cũng là khoảng thời gian, Egroup mở thêm nhiều trung tâm Anh ngữ nhất, hoạt động trong thời gian rất ngắn đã phải đóng cửa. Có thời điểm, doanh nghiệp tổn thất gần 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Chi phí lãi vay, chi phí tài chính khiến doanh nghiệp “vô cùng vất vả”.
Hiện tại, cha đẻ của Apax - chuỗi trung tâm Anh ngữ quy mô lớn nhất cả nước - đã có nhiều cuộc đối thoại với các nhà đầu tư, cổ đông, đối tác để hoãn, giãn thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận nhằm tập trung nguồn lực cho việc tái cấu trúc. Thời gian có thể mất vài ba năm.
Trên thực tế, ông Thủy gặp khó ở nhiều lĩnh vực khi CTCP Đầu tư Apax Holdings (công ty mẹ của Apax) có vay nợ lớn, tổng nợ cao gần gấp đôi vốn chủ sở hữu và hoạt động đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ giáo dục cho tới giải trí, bất động sản, thông qua các công ty con, công ty liên kết như: English Now, Steame Garten, Apax,...
Cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings hôm 8/12 giảm sàn phiên thứ 12 liên tiếp xuống 6.580 đồng/cp.
Không ít doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng khó khăn và đứng trên bờ vực sụp đổ khi đối mặt với những cú sốc bất ngờ.
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cũng trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong sự nghiệp, bắt đầu từ năm 2016, khi khối nợ của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lên tới hàng tỷ USD. Cú đánh cược quá lớn vào hàng trăm nghìn hecta cao su khiến HAG lao dốc khi giá cao su sụt giảm.
Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn là doanh nghiệp thuộc top đầu trong lĩnh vực bất động sản, với rất nhiều đại dự án trên cả nước, nhưng gần đây cũng phải sốc lại để tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, tránh rủi ro đổ vỡ.
Novaland vừa mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn và cầm cố toàn bộ cổ phần tại Địa ốc Vạn Phát, The Forest City cho khoản vay 100 triệu USD từ Credit Suisse AG. Ông Nhơn dự kiến sẽ trở lại vai trò chủ tịch và đại diện pháp luật của Novaland để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp.
CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) của chủ tịch Đỗ Quý Hải - cũng chứng kiến hàng trăm triệu cổ phiếu được chuyển nhượng gần đây, trong đó phiên 30/11 ghi nhận một kỷ lục hiếm có: hơn 54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành được sang tay. Cổ phiếu HPX vẫn không ngừng giảm sàn và bốc hơi 80-90% trong thời gian ngắn. Hải Phát cũng cần thêm thời gian để tái cấu trúc.
Bất động sản Phát Đạt (PDR) đã có những phiên tăng trở lại sau 17 phiên giảm sàn liên tiếp vì khó khăn liên quan tới thanh khoản.
Tuy nhiên, khó khăn của PDR cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác có lẽ vẫn còn, khi khối nợ trái phiếu, nợ vay ngân hàng còn lớn, còn thị trường bất động sản chưa có nhiều tín hiệu tích cực.
Câu chuyện ông Nguyễn Ngọc Thủy và cuộc khủng hoảng của hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax English, hay cú sốc của Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức cũng như cuộc khủng hoảng thanh khoản của nhiều doanh nghiệp bất động sản gần đây cho thấy, nhiều doanh nhân biết nắm bắt cơ hội khi nền kinh tế chuyển mình phát triển nhanh.
Tuy nhiên, việc quản trị rủi ro, quản trị tài chính lành mạnh khi doanh nghiệp phát triển bứt phá vẫn là vấn đề nhiều người mắc sai lầm.