Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận xoay quanh câu chuyện vì sao cán bộ, công chức sợ trách nhiệm không dám làm. Một trong những lý do mà nhiều đại biểu chỉ ra là do hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo và khó thực hiện.
Tránh thái cực mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho thể chế
Tranh luận lại với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết, Nghị quyết 101 của Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo tại kỳ họp này.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập tổ công tác để chỉ đạo, tổ chức điều kiện rà soát độc lập và yêu cầu 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND có báo cáo; các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách đều có ý kiến đánh giá độc lập về kết quả rà soát của Chính phủ cũng như của các địa phương.
Mục tiêu đặt ra là, qua rà soát cần nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và những vấn đề vướng mắc gây khó khăn. Trên cơ sở đó, kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung...
Việc rà soát phải bảo đảm khách quan, tránh cả hai thái cực: Mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho thể chế pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hoặc tuyệt đối hóa pháp luật đều tốt mà bất cập, vướng mắc là do công tác tổ chức thực hiện. Việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung phải là thực sự cần thiết và xác đáng.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập từ các cơ quan của Quốc hội cho thấy, phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo nhưng không nhiều. Hầu hết các nội dung được chỉ ra là có bất cập do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu rõ, gần 70% nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật đều thuộc các dự án luật đã có như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản,...
Bên cạnh đó, có một số nội dung nhận định là chưa chính xác, một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và một số nội dung, một số nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng thực chất là vấn đề quan điểm chính sách.
Cán bộ thực thi hiểu thế này nhưng kiểm tra, thanh tra lại hiểu theo cách khác
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ đặt vấn đề: “Tại sao trong triển khai thực hiện còn vướng mắc nhiều, nhất là đầu tư công, cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm?”.
Ông đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật, nhưng vấn đề là cách hiểu luật. Hiện nay, chính sách, pháp luật đưa ra nhưng cách hiểu luật có những vấn đề chưa thực sự thống nhất, nên cán bộ khi thực hiện hiểu luật thế này; khi kiểm tra, giám sát, thanh tra lại hiểu theo cách khác.
Đại biểu tỉnh Quảng Nam dẫn ví dụ về xác định giá trị đất đai trong các vụ việc sai phạm. Có trường hợp xác định giá trị ở thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc.
“Chánh án TAND tối cao từng trả lời tại Quốc hội rằng xác định thiệt hại tại thời điểm xảy ra vụ việc, nhưng có vụ xác định tại thời điểm khởi tố và sau mấy năm giá trị đất đã khác. Có vụ án lúc đầu xác định thiệt hại 4.000 tỷ đồng, sau đó còn hơn 1.000 tỷ đồng...”, đại biểu dẫn chứng.
Vì vậy, việc xác định giá trị tại thời điểm nào cũng là một trong những nguyên nhân, yếu tố làm cho cán bộ sợ, không dám làm.
Từ đó, đại biểu đề nghị khi rà soát đánh giá văn bản pháp luật có chồng chéo, bất cập hay không cần làm rõ câu chuyện làm sao để hiểu thống nhất.
Đại biểu Lê Xuân Thân, đoàn Khánh Hòa tranh luận với đại biểu Nguyễn Trường Giang về vấn đề rà soát, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo.
Đại biểu Lê Xuân Thân cho biết, Nghị quyết số 101 của Kỳ họp thứ 5 là nghị quyết chung. Trong đó, có nội dung rà soát để xem xét nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng trì trệ, không dám làm của các cán bộ.
Ông Thân cho rằng, bên cạnh việc sợ trách nhiệm, không dám làm còn có nguyên nhân khác là quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, trong khoảng thời gian rất ngắn (từ tháng 7 - 9), các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai và rà soát hệ thống văn bản, chủ yếu ở lĩnh vực luật, nghị định, thông tư chưa có văn bản của các địa phương. Qua kết quả rà soát, tỉ lệ chồng chéo có nhưng không cao.
Vì vậy, chưa nhìn nhận được nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ không dám làm và pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn.
“Rất nhiều vấn đề địa phương phải hỏi Trung ương, tỉnh phải hỏi bộ trưởng vì văn bản quy định chưa rõ”, đại biểu Lê Xuân Thân nêu thực tế. Ông đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung cụ thể hơn nữa.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - đoàn Kiên Giang bày tỏ vui mừng vì thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, bà lưu ý, đây là nghị định, không thể thay thế điều chỉnh các quy định của luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi pháp luật, trong đó có Luật Công chức và Luật Viên chức.