Trước đó, trong báo cáo thường niên năm 2022 công bố vào tháng 2, công ty Hà Lan cho biết một nhân viên cũ của họ làm việc tại văn phòng Trung Quốc đã dính líu tới hành vi “chiếm dụng trái phép dữ liệu liên quan đến công nghệ độc quyền” có thể dẫn đến những vi phạm kiểm soát xuất khẩu.
CEO ASML Peter Wennink mô tả vụ việc là “một mảnh ghép câu đố mà bạn không có chỉ dẫn” và công ty Veldhoven, có trụ sở tại Hà Lan không tiết lộ dữ liệu nào đã bị đánh cắp. Bloomberg vào thời điểm đó cho biết vụ trộm nhằm vào kho lưu trữ máy chip bao gồm các chi tiết về máy móc tiên tiến của ASML.
Đầu tuần này, tờ báo NRC của Hà Lan đưa tin thủ phạm tiếp tục làm việc cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đang trong danh sách cấm vận của Mỹ sau khi rời ASML.
Công ty Hà Lan cho biết hành vi phạm pháp không tác động đáng kể đối với hoạt động kinh doanh, đồng thời khẳng định đã tiến hành các biện pháp khắc phục bảo mật.
Huawei bị cấm tiếp cận công nghệ chip tiên tiến có sử dụng linh kiện hay sáng chế của Mỹ kể từ năm 2019. TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cũng ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ gã khổng lồ đại lục.
Theo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung do chính phủ Hà Lan áp đặt, bắt đầu từ tháng 1 sang năm, ASML sẽ bị cấm vận chuyển một số hệ thống in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) kém tiên tiến hơn sang Trung Quốc.
Việc hạn chế tiếp cận máy in thạch bản đã trở thành rào cản lớn cho mục tiêu tự cung cấp chip của Trung Quốc.
Vào tháng 8, Huawei âm thầm ra mắt điện thoại thông minh 5G, Mate 60 Pro, chạy bộ xử lý 7 nanomet (nm) tiên tiến. Các chuyên gia nhận định con chip này có thể được sản xuất bằng máy DUV chứ không phải EUV, vốn được sử dụng để chế tạo chip từ 7nm ở quy mô thương mại.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, ASML và các công ty liên quan đến chip khác trước đây từng cáo buộc các thực thể Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) và săn trộm nhân tài.
Vào năm 2022, ASML cho biết một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đã tiếp thị các sản phẩm ở Trung Quốc “có khả năng” vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của ASML.
Năm 2021, Bộ trưởng kinh tế Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh tăng cường nỗ lực tiếp cận công nghệ tiên tiến trong bối cảnh đối đầu công nghệ Trung-Mỹ. Năm ngoái, chính phủ Đài Loan bắt đầu thực thi quy định cấm các công ty Trung Quốc tuyển dụng những nhân tài hàng đầu trong các lĩnh vực nhạy cảm như chip.
Gần đây hơn, chính quyền Mỹ đã mở một cuộc điều tra đối với công ty bán dẫn Innoscience của Trung Quốc, sau khi một đối thủ cạnh tranh của Mỹ cáo buộc công ty này đã thuê hai nhân viên cũ, trong đó có một kỹ sư, để lấy bí mật và vi phạm quyền sáng chế của công ty.
(Theo SCMP)