Tuy nhiên, nhiều người dân không biết rằng, hành vi chuyển tiền này là vi phạm quy định của pháp luật, thậm chí người nhận sẽ phải chịu xử lý của pháp luật của nước sở tại. Hơn nữa, người gửi có thể mất trắng tiền vì nếu vì một lý do nào đó mà phía trung gian “bỗng dưng biến mất”.
Chuyển tiền dễ như... ăn kẹo
Câu chuyện chuyển tiền sang nước ngoài chẳng còn xa lạ, đặc biệt đối với những gia đình có người thân sống, lao động và học tập ở nước ngoài. Theo khảo sát thực tế, nhu cầu giao dịch ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài ngày càng gia tăng. Đó là chuyển ngoại tệ cho mục đích công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; chuyển tiền cho mục đích học tập, chữa bệnh; chuyển tiền trợ cấp cho thân nhân, cho người hưởng thừa kế, cho mục đích định cư ở nước ngoài...
Với tâm lý sợ thủ tục phiền hà, lại giảm được phí giao dịch nên nhiều người đã lựa chọn phương thức chuyển tiền “chui”. Chỉ cần vào Google gõ cụm từ “chuyển tiền ra nước ngoài”, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt trang web quảng cáo về dịch vụ này. Các trang web này đăng tải những lời quảng cáo rất hút khách: Chuyển tiền đi nước ngoài siêu nhanh, giá rẻ, uy tín”, “Chuyển tiền đi nước ngoài siêu rẻ, chỉ trong vài phút, thủ tục lại vô cùng đơn giản”.
Điều đặc biệt nữa, nhiều trang web còn khẳng định sẵn sàng chuyển tiền tới hàng trăm quốc gia trên thế giới một cách an toàn với chi phí siêu rẻ, thậm chí là không mất phí. Để thuận lợi hơn cho người thân, gia đình, bạn bè hay đối tác nhận tiền ở đầu nước ngoài, nhiều người còn nhận chuyển tiền Việt và giúp khách hàng quy đổi sang USD, euro, bảng Anh và các ngoại tệ khác.
Chị Nguyễn Thị Minh (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ việc chị chuyển tiền sang Mỹ cho anh trai với cách thức vô cùng đơn giản. Chị kể: “Có lần tôi chuyển 5.000 USD cho chị gái với thủ tục cực dễ dàng và đơn giản. Phía Mỹ, chị gái tôi chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân để xác thực và nhận tiền. Sau khi được người quen giới thiệu, tôi đến dịch vụ chuyển tiền tư nhân ở quận Thanh Xuân. Vì đây là lần đầu tiếp xúc nên họ chụp ảnh và nhận USD, rồi gửi hình ảnh cho đầu cầu ở Mỹ để xác nhận giao dịch. Những lần sau chỉ cần đưa tiền là họ chuyển sang bên Mỹ cho chị tôi luôn”.
Việc chuyển tiền vô cùng đơn giản, hơn nữa người gửi và người nhận lại không phải mất 1 đồng nào cho dịch vụ chuyển tiền này. Theo như chị Mai, phía dịch vụ sẽ ăn chênh lệch tỉ giá và chỉ nhận giao dịch với những khách hàng do người quen giới thiệu, không làm đại trà và cũng không giao dịch số tiền quá 10.000 USD để hạn chế rủi ro.
Còn với anh Nguyễn Huy Quân, một người định cư ở Công hòa Séc thì việc chuyển tiền từ Việt Nam sang để làm ăn là chuyện như cơm bữa. Do làm ăn không lớn, nên mỗi lần cần vài nghìn USD là anh lại điện thoại cho người nhà chuyển sang. Anh Quân cho hay: “Mỗi lần làm ăn thiếu vốn, tôi lại nhờ bạn bè, người thân ở Việt Nam chuyển tiền. Thực ra, đều chuyển dịch vụ cả, không hơi đâu mà chuyển chính ngạch mất thời gian làm thủ tục, phí chuyển lại cao. Hơn nữa, khi chuyển sang đây, chuyển chính ngạch họ bắt mình nhận tiền Việt thì bị tính rẻ hơn giá USD. Bên này bọn tôi đa số thuê dịch vụ chuyển hết. Còn mình chuyển về thì ở nhà nhận tiền đô, sau đó ra cửa hàng vàng bán được giá cao hơn”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, nếu muốn chuyển tiền sang nước ngoài qua một ngân hàng thương mại thường sẽ sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế MonneyGram, mức phí người gửi sẽ phải trả xấp xỉ 1%. Còn nếu chuyển tiền đi nước ngoài bằng hối phiếu ngân hàng, mức phí là 0,25% trên số tiền cần chuyển. Thời gian chuyển dao động 1-3 ngày. Mức phí chuyển tiền này còn tùy thuộc vào nước nào nhận và số tiền gửi sẽ khác nhau. Chẳng hạn, mức phí nhận chuyển tiền online từ Canada về Việt Nam và ngược lại dao động 1-1,5% trên số tiền cần chuyển. Tiền chuyển càng nhiều thì phí càng rẻ.
Tìm hiểu dịch vụ chuyển tiền tràn lan trên mạng, chúng tôi đã thử lên Facebook gõ từ khóa “Chuyển tiền đi nước ngoài”, hàng loạt trang Facebook cá nhân đăng tải dịch vụ chuyển tiền xuất hiện, như: “Dịch vụ chuyển tiền siêu tốc”, “chuyển tiền không phí”, “chuyển tiền siêu nhanh”. Những tài khoản này sẽ để số điện thoại để người gửi tiện liên lạc, chỉ cần kết bạn Zalo, sau đó khai những thông tin cơ bản của người nhận bên nước ngoài là có thể chuyển được. Một trang Facebook có tên “Chuyển tiền siêu tốc” và để số điện thoại: 0987805xxx khi cần tư vấn. Khi liên lạc thì một người xưng tên Thủy, có thể lo toàn bộ việc chuyển tiền sang nước ngoài. Khi chúng tôi liên lạc, chị này cho hay: “Thủ tục thì không có gì đặc biệt cả, chỉ cần có thông tin bên nhận là bọn em chuyển cho anh. Phí thì miễn, người gửi không phải mất một đồng dịch vụ nào cả”. Khi chúng tôi hỏi, việc chuyển này có phạm luật hay không thì nhân viên này khẳng định: “Những vi phạm, hay phạm luật là do bọn em chịu, vì bọn em mới là những người giao dịch. Anh chỉ cần quan tâm người thân bên nước ngoài nhận được tiền là ok”.
Lách quy định, nhiều rủi ro
Những quy định gửi tiền ra nước ngoài ở Việt Nam là hết sức nghiêm ngặt, nhưng vẫn có những kẽ hở nên bị lợi dụng, lách quy định. Một lý do khiến cho việc chuyển tiền ra nước ngoài theo kiểu “chui” là vì người gửi không chứng minh được mục đích chuyển tiền của mình nên đa số sẽ lựa chọn cách thông qua dịch vụ ngầm, dù vẫn biết có nhiều rủi ro.
Qua tìm hiểu của phóng viên, các hình thức chuyển tiền sang nước ngoài cũng rất đa dạng, dịch vụ chuyển tiền chui qua các ứng dụng (app), sàn giao dịch tiền ảo, các tiệm vàng, các công ty xuất nhập khẩu... với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn và chênh lệch tỉ giá không nhiều. Đã rất nhiều người cho rằng, việc chuyển tiền qua đường không chính thức là phi pháp, nếu bị các cơ quan chức năng phát hiện sẽ gặp rắc rối. Chưa kể đã có rất nhiều người bị lừa, tức là người làm dịch vụ đã nhận tiền nhưng không giao cho người thụ hưởng. Bởi khi chuyển tiền qua đường không chính thức, hai bên giao dịch với nhau chủ yếu dựa trên niềm tin, vì vậy nếu bị lừa thì rủi ro rất lớn cho cá nhân vì không thể nhờ pháp luật can thiệp.
Anh Lê Hồng Minh, một nạn nhận của việc chuyển tiền qua dịch vụ không chính thức kể lại câu chuyện của mình: “Cách đây 2 năm, em tôi sống bên Đức khi ấy đang rất cần tiền sinh hoạt hằng ngày vì đại dịch COVID-19. Tôi được một người bạn mách là cứ lên mạng tìm hiểu, thiếu gì dịch vụ chuyển nên tôi quyết định tìm hiểu và chuyển qua dịch vụ. Khi tôi liên lạc với họ, họ nói không cần thủ tục gì phức tạp, chỉ cần khai một số thông tin cơ bản của người nhận là được. Tôi có gửi cho em 3.000 euro sang đó, tuy nhiên sau 2 ngày cậu em liên lạc về là không nhận được tiền. Khi ấy tôi mới bắt đầu lo lắng và liên lạc lại dịch vụ nhận gửi tiền nhưng không được. Lên mạng tìm lại Facebook để nhắn tin cũng không được vì họ chặn tin nhắn, khóa luôn cả Facebook. Nói thật là chuyển tiền kiểu bằng niềm tin thế này rủi ro lớn lắm, sau này tôi mới biết bạn tôi cũng có một số người bị lừa như vậy”.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Tuấn Anh, Viện Kinh tế chiến lược cho hay, việc chuyển tiền lậu ra nước ngoài dưới nhiều hình thức và vẫn đang là vấn đề nhức nhối của cơ quan quản lý. Không những vậy, việc chuyển tiền sẽ có nhiều rủi ro cho người gửi, có thể bị mất trắng và người nhận có thể bị xử lý trước pháp luật của nước sở tại. “Ngân hàng Nhà nước vừa rồi đã lấy ý kiến xây dựng thông tư hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài. Mục tiêu nhằm tích hợp, thống nhất các quy định vào một văn bản hợp nhất; hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp với thực tế phát sinh. Ví dụ, dự thảo quy định ngân hàng được phép thu thập các thông tin cần thiết về tổ chức, cá nhân chuyển tiền và tổ chức, cá nhân thụ hưởng ở nước ngoài; có quyền từ chối hoặc không thực hiện các giao dịch bán, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nếu tổ chức, cá nhân cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin...
Muốn chuyển tiền ra nước ngoài phải qua nhiều bước
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc chuyển tiền ra nước ngoài thông qua ngân hàng quy định rất chặt chẽ và phải qua nhiều bước với quy trình khá phức tạp.
Chẳng hạn, với mục đích chuyển tiền để trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài thì người gửi phải chuẩn bị hàng chục loại giấy tờ như: Lệnh chuyển tiền quốc tế, hợp đồng mua bán ngoại tệ, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, xác nhận nhập cảnh trên hộ chiếu, hợp đồng lao động hoặc các giấy tờ khác chứng minh người được trợ cấp đang ở nước ngoài...
Hạn mức để gửi tiền trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài cũng được quy định ở mỗi ngân hàng một mức khác nhau. Có ngân hàng đồng ý mức chuyển tiền cho một thân nhân được hưởng trợ cấp là không quá 20.000 USD/năm, song lại có ngân hàng quy định hạn mức chuyển tiền tối đa chỉ có 7.000 USD/người/năm. Các giấy tờ chứng minh nhu cầu chuyển vượt mức có thể là những chứng từ như hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà...
Còn nếu chuyển tiền với mục đích định cư thì ngoài những giấy tờ cơ bản như hợp đồng mua bán ngoại tệ, hộ chiếu còn hiệu lực..., người dân phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số tiền. Trong đó bao gồm cả tính hợp pháp của việc người đi định cư sở hữu số tiền đó, đồng thời người chuyển tiền còn phải chứng minh nguồn gốc tiền có hợp pháp hay không, giấy phép mang ngoại tệ ra nước ngoài có hợp lệ hay không...
(Theo An Ninh Thế Giới)