Khuyến nghị của FBI
Một khu học chánh ở thành phố Dallas vừa phân phát sách Winnie-the-Pooh về cách đối phó xả súng trường học, báo Mỹ Business Insider đưa tin. Theo đó, gấu Pooh bảo bọn trẻ “chạy, trốn, chiến đấu” theo khuyến nghị của FBI.
Một số phụ huynh và giáo viên tỏ ra không thoải mái về cuốn sách, về việc “bình thường hóa” các vụ xả súng ở trường học.
Cuối tháng 5/2023, cuốn sách có tựa đề Stay Safe (Giữ an toàn) đã được phát cho học sinh tiểu học đem về nhà. Trong một trang sách, gấu Pooh nói với bọn trẻ: “Nếu nguy hiểm cận kề, đừng sợ! Hãy ẩn mình như gấu Pooh cho đến khi cảnh sát xuất hiện”. Một lời khuyên khác có nội dung: “Tất cả chúng ta nên ẩn nấp kín đáo ở một nơi mà chúng ta không thể bị tìm thấy” với hình ảnh gấu Pooh đang ló ra từ bên trong một hũ mật ong.
Stay Safe được phân phối chỉ một tuần sau ngày kỷ niệm vụ nổ súng tại Trường Tiểu học Robb ở thành phố Uvalde, bang Texas, trong đó một tay súng đã giết chết 19 học sinh và hai giáo viên.
Chị Cindy Campos, một bà mẹ ở Dallas có con nhận được cuốn Stay Safe, nói với báo chí địa phương rằng, “bản thân cuốn sách không có gì là không phù hợp”. Nhưng chị bày tỏ lo lắng khi các vụ xả súng ở trường học đang được “bình thường hóa”.
“Tất cả những gì tôi muốn sau ngày cuối cùng của năm học là đưa con về nhà và ngồi trên chiếc ghế dài. Nhưng có những gia đình ở Uvalde không thể làm được điều đó. Sẽ có nhiều gia đình như thế và cuốn sách này cho tôi thấy rõ hơn về thảm kịch”, chị Campos nói.
Gây tranh cãi
Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đã đăng 2 trang trong cuốn Stay Safe lên mạng xã hội Twitter và viết: “Winnie the Pooh đang dạy trẻ em Texas về những kẻ xả súng cuồng loạn vì các quan chức được bầu không đủ can đảm để giữ an toàn cho con cái của chúng ta và thông qua luật an toàn súng đạn”.
Một giáo viên tiểu học ở Dallas (yêu cầu giấu tên), nói với báo Anh The Guardian: “Tôi thấy vô cùng đáng lo ngại và rất khó chịu với toàn bộ nội dung của cuốn sách”. Đồng tình với quan điểm của Thống đốc Newsom về luật súng đạn, người này nói rằng cô ấy “rất tức giận, rất thất vọng” vì cuốn sách được sản xuất “thay vì thực sự có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn các vụ xả súng xảy ra trong trường học”.
Lời khuyên “chạy, trốn, chiến đấu” trong cuốn sách phù hợp với lời khuyên của FBI dành cho các trường học về việc đối phó kẻ xả súng. Công ty sản xuất - Praetorian Consulting, thông báo trên trang web của mình rằng tác phẩm được tạo ra như một phần của bộ tài liệu được thiết kế với sự hợp tác của các trường học và cảnh sát “để dạy trẻ em cách giữ an toàn và tự bảo vệ nếu xảy ra một vụ xâm nhập trường học gây nguy hiểm”.
Winnie the Pooh đã được sử dụng tự do ở Mỹ từ ngày 1/1/2022 sau khi bản quyền liên quan gấu Pooh hết hạn. Kể từ đó, hình ảnh gấu Pooh hiền lành, dễ thương đã bị biến đổi trong một số trường hợp, ví dụ trong bộ phim kinh dị Winnie the Pooh: Blood and Honey (Gấu Pooh: Máu và Mật ong) ra mắt hồi tháng 3/2023. Bộ phim Anh này có kinh phí sản xuất 100.000 USD và đạt doanh thu phòng vé 5,2 triệu USD.
Nguồn gốc gấu Pooh
Winnie-the-Pooh là cuốn sách thiếu nhi năm 1926 của tác giả người Anh A. A. Milne và họa sĩ người Anh E. H. Shepard. Tác phẩm lấy bối cảnh trong Khu rừng Trăm mẫu hư cấu, với tuyển tập truyện ngắn kể về cuộc phiêu lưu của chú gấu bông hình người Winnie-the-Pooh và những người bạn là Christopher Robin, Piglet, Eeyore, Cú, Thỏ, Kanga và Roo.
Đây là quyển đầu tiên trong số hai tuyển tập của Milne về Winnie-the-Pooh. Cuốn thứ hai là The House at Pooh Corner (1928).
Milne và Shepard trước đây đã hợp tác cho tạp chí hài hước của Anh Punch, và sáng tác tuyển tập thơ When We Were Very Young vào năm 1924. Trong số các nhân vật có chú gấu bông Shepard được mô phỏng theo món đồ chơi của con trai ông.
Sau đó, Shepard khuyến khích Milne viết về đồ chơi của cậu con trai - Christopher Robin Milne. Vì vậy chúng trở thành nguồn cảm hứng cho các nhân vật trong Winnie-the-Pooh.
Cuốn sách xuất bản ngày 14/10/1926, được các nhà phê bình đón nhận nồng nhiệt và gặt hái thành công về mặt thương mại (bán được 150.000 bản trước cuối năm 1926).
Winnie-the-Pooh đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng; bản dịch tiếng Latinh năm 1958, Winnie ille Pu, là cuốn sách tiếng nước ngoài đầu tiên được đưa vào Danh sách bán chạy nhất của The New York Times và sách bằng tiếng Latinh duy nhất từng được giới thiệu.
Các câu chuyện và nhân vật đã được chuyển thể sang một số phương tiện truyền thông khác, đáng chú ý nhất là nhượng quyền thương mại của Công ty Walt Disney, bắt đầu với Winnie the Pooh and the Honey Tree, phát hành ngày 4/2/1966 dưới dạng một bộ phim kép cùng với The Ugly Dachshund.
Ở Mỹ, cuốn sách Winnie-the-Pooh gốc đã hết hạn bản quyền từ ngày 1/1/2022. Tuy nhiên, sách vẫn được bảo vệ bản quyền ở các quốc gia khác, bao gồm Vương quốc Anh. |
Linh Nhi (Theo Business Insider, The Telegraph)