Nếu giở lại nhật ký các kỳ họp QH, chắc chủ đề sách giáo khoa không chỉ được bàn đến duy nhất trong kỳ họp đang diễn ra. Sự tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu về vấn đề này là hết sức rõ ràng.
Không hề là vấn đề mới
Có thể khái quát mấy vấn đề đang tồn đọng trong câu chuyện sách giáo khoa ở ta mà các đại biểu QH đã nêu như sau:
Một là, giá sách giáo khoa hiện là quá cao. Như đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu, giá sách như vậy trở thành gánh nặng với nhân dân, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo.
Tại sao lại cao như vậy? Câu trả lời của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc là khá rõ: Trước đây, Nhà nước chi tiền từ ngân sách cho khâu biên soạn và thẩm định, do đó, giá sách giáo khoa có phần rẻ. Sau này, việc biên soạn được xã hội hóa, các doanh nghiệp chủ động từ khâu biên soạn, thẩm định, in ấn, phát hành không có sự trợ giá từ phía Nhà nước và đương nhiên giá sách giáo khoa tăng, thậm chí tăng khá cao.
Hai là, số lượng sách tham khảo do không có sự rõ ràng trong định hướng sử dụng nên cũng làm gia tăng chi phí của các gia đình có con em đi học.
Ba là, việc sử dụng lại sách giáo khoa dường như cũng là rất khó khăn nếu tiếp tục kiểu thiết kế sách theo cách buộc học sinh làm bài tập ngay trên các trang nhất định của sách có liên quan.
Các vị đại biểu QH đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp cho câu chuyện sách giáo khoa.
Nếu sách giáo khoa được các vị đại biểu đề cập thể hiện mặt tích cực, mặt tâm huyết của cơ quan đại biểu cao nhất cho người dân cả nước thì sự chậm trễ, trì trệ trong giải quyết vấn đề này lại thể hiện rõ sự hạn chế trong cơ chế làm việc của các cơ quan nhà nước.
Vấn đề giá sách giáo khoa cao không phải là mới. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH Phan Viết Lượng, mấy năm trước, Ủy ban đã có giám sát, báo cáo gửi đến các bộ, ngành về vấn đề sách giáo khoa. Qua đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng cường quản lý giá sách.
Còn theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, hơn 2 năm trước, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh: “Cử tri và đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá. Chứ chúng ta cứ trả lời sắp tới, sắp tới, nhưng các em học sinh sẽ bị lỡ nhịp…”.
Quốc hội có thể ra ngay một nghị quyết
Nếu theo kiểu “sắp tới, sắp tới“ này thì lộ trình có thể giải quyết được giá sách giáo khoa sẽ đại thể là: Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT trình Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa là mặt hàng bình ổn giá, để rồi sau đó Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH rồi QH xem xét, quyết định. Muốn vậy thì lại phải sửa luật Giá mà việc sửa này đòi hỏi phải có lộ trình… Tóm lại, nếu theo kiểu này, có khi 1-2 năm nữa chưa chắc đã có kết quả như người dân và các vị đại biểu QH đang mong muốn.
Có cách gì không nhỉ? QH, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất theo Hiến pháp có thẩm quyền quyết định các chính sách cơ bản của đất nước. Chính sách về sách giáo khoa, trong đó có giá sách rất xứng đáng là một trong các chính sách cơ bản. Vì vậy, để khắc phục câu chuyện “sắp tới, sắp tới“ và cũng là để thể hiện đúng vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình, QH ngay tại kỳ họp này có thể ra một nghị quyết về chủ đề này.
Nghị quyết của QH có thể bao gồm mấy nội dung chính như sau:
- Sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu được Nhà nước quản lý giá, định giá;
- Sách giáo khoa là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, được Nhà nước trợ giá với định hướng lâu dài Nhà nước trợ giá hoàn toàn sách giáo khoa;
- Sách giáo khoa được thiết kế, in ấn sao cho tiết kiệm nhất và có khả năng sử dụng nhiều lần;
- Giao cho Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện ngay nghị quyết này.
Thực tiễn hoạt động của QH thời gian qua đã cho thấy với một nghị quyết của mình, QH có thể cho phép làm việc này, việc kia trong khi luật có liên quan chưa sửa.