LTS: 50 năm trước, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX, một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền Ngoại giao Việt Nam.
Hiệp định Paris cũng là kết tinh của sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nhân dịp 50 năm Hiệp định Paris, Báo VietNamNet thực hiện loạt bài Hiệp định Paris 1973 - Nửa thế kỷ nhìn lại, với góc nhìn đa chiều từ những người trong cuộc, những nhân chứng lịch sử đã góp phần làm nên thắng lợi của Hiệp định.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thời điểm công tác ở Bộ Ngoại giao từng tháp tùng đoàn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang Paris ký Hiệp định Paris (1/1973) và sau đó tháng ba sang dự Hội nghị quốc tế thông qua Định ước bảo đảm việc thi hành hiệp định. Ông vẫn nhớ như in những đại lộ dẫn đến hội trường Kleber (Pháp) - nơi diễn ra lễ ký, tràn đầy cờ hoa của bà con kiều bào và bạn bè quốc tế.
Từ Moscow tới Bắc Kinh, đoàn Việt Nam được sự đón tiếp trang trọng nhất của lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc. Về đến Việt Nam khi đúng dịp Tết Quý Sửu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và rất đông người dân đã tới sân bay Gia Lâm vui mừng chào đón các thành viên trong đoàn, những người mang chiến thắng trở về từ mặt trận ngoại giao - một cái Tết đáng nhớ nhất của ông Vũ Khoan.
Nguyên Phó Thủ tướng nhận định: "Lịch sử đã đặt lên vai dân tộc chúng ta một sứ mệnh rất vẻ vang nhưng cũng gian khổ, từ sau khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, suốt mấy chục năm trời nhân dân ta đã phải lần lượt tiến hành các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ".
Cũng trong khoảng thời gian ấy, Việt Nam là nước duy nhất tham gia tới 4 hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Đó là hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương, hội nghị Genève về Lào năm 1961-1962, hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Campuchia năm 1991.
Theo nguyên Phó Thủ tướng, trong tất cả các sự kiện thì Hiệp định Paris chiếm một vị trí đặc biệt. Bởi lần đầu tiên sau 89 năm đất nước ta bị giặc ngoại xâm giày xéo, với Hiệp định Paris, Mỹ đã phải cam kết rút hết quân. Hiệp định Paris đã mang lại hoà bình cho miền Bắc, khôi phục lại nền kinh tế đồng thời cũng tăng cường thêm nguồn lực để tiến hành cuộc đấu tranh ở miền Nam đi đến thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris cũng góp phần nâng cao vị thế nước ta, trong năm 1973 đã có 15 nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Cuộc đấu tranh của dân tộc ta và Hiệp định Paris đã đóng góp rất lớn vào sự thay đổi tương quan lực lượng trên thế giới.
Ông Vũ Khoan nhận định, quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris để lại biết bao bài học kinh điển về nghệ thuật đàm phán nói riêng và nghệ thuật ngoại giao đặc sắc Việt Nam nói chung.
"Tôi quy tụ thành 4 chữ “K” để dễ nhớ", nguyên Phó Thủ tướng đúc kết.
“Kết hợp”, dân tộc ta ở trong tình thế "lấy yếu đánh mạnh" cho nên phải tạo dựng sức mạnh tổng hợp, đó là sức mạnh tinh thần và vật chất; hình thành thế trận gọi là “3 vòng mặt trận” (theo cách nói của cố Tổng Bí thư Trường Chinh) với vòng thứ nhất là đoàn kết Bắc - Nam, vòng thứ hai đoàn kết giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, vòng thứ ba là đoàn kết giữa cuộc đấu tranh của nhân dân ta với nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập.
Kết hợp tiếp theo là kết hợp giữa chính trị - quân sự - ngoại giao, trong đó quân sự và chính trị có ý nghĩa quyết định. Kết hợp giữa các ngành, các lĩnh vực, giữa ngoại giao Đảng với ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Đoàn đàm phán Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động sôi nổi, đặc biệt trong Hội nghị Paris, vai trò của truyền thông đóng vai trò rất lớn.
"Kiên trì", nguyên Phó Thủ tướng lý giải vì phải đối phó với thế lực mạnh thì "không thể một sớm một chiều" có được mà ta phải giành thắng lợi từng bước, từng bộ phận. Ông Vũ Khoan bày tỏ, cuộc hòa đàm Paris có lẽ là một trong các cuộc thương lượng về chấm dứt chiến tranh dài ngày nhất trong lịch sử với cuộc "cò cưa" mang tính "việt dã" tới gần 5 năm.
"Kiên quyết", nguyên Phó Thủ tướng phân tích: "Chúng ta rất kiên quyết bất di bất dịch đó là 'Mỹ phải rút hết quân đội và các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày'. Mặc dù Mỹ cũng đòi hỏi quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam thì chúng ta kiên quyết không, bác bỏ cái đó. Thứ hai, nói chuyện về miền Nam Việt Nam phải có đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam, đó là Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời".
Một điều "bất di bất dịch" được phía ta nêu ra là Mỹ phải công nhận độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Điều này đã ghi trong Tuyên bố chung của Hội nghị Genève năm 1954 nhưng lúc đó Mỹ không tham gia nên lần này tại Hội nghị Paris Mỹ phải công nhận.
"Khôn khéo", như Bác Hồ đã nói "nguyên tắc thì phải vững chắc nhưng mà sách lược phải linh hoạt". Nguyên Phó Thủ tướng lý giải, có 2 điều linh hoạt, đó là ta chưa đặt ra vấn đề xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, bởi đây là chuyện để nhân dân Việt Nam giải quyết.
"Chúng ta có hai đoàn miền Bắc và miền Nam như Bác Hồ dặn tại Hội nghị cán bộ ngoại giao (16/3/1966) 'tuy hai mà một, tuy một mà hai'. Đây là sách lược rất khôn khéo và chưa từng có trong lịch sử thế giới", nguyên Phó Thủ tướng khẳng định. Hai đoàn song cùng chung một mục đích, mỗi đoàn hoạt động và thể hiện lập trường chung theo những cách riêng. Đối phương biết rõ điều này song không làm được gì vì tương quan lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta.
Ông Vũ Khoan cho biết, sau khi ký Hiệp định Paris thì có một giai đoạn khoảng 2 năm đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, công cuộc đấu tranh ngoại giao vẫn tiếp tục, để lại rất nhiều bài học quý giá.