Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét. Đáng lưu ý, Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động.
Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản… Năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đang dần được cải thiện.
Đánh giá về ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay, ông Phạm Minh Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh: "Nhìn về sự dịch chuyển năng lực sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chúng ta thấy Việt Nam đang ở trong làn sóng đầu tư FDI thứ ba.
Và kể từ khi chúng ta có làn sóng đầu tiên thì chúng ta đã ở cuối thập niên thứ ba, tức là chúng ta đã có khoảng gần 30 năm kinh nghiệm trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như là phát triển năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Trong quá trình này khi nhìn lại gần 30 năm vừa qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, có thẻ thấy các doanh nghiệp sản xuất đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những bước phát triển rất tốt nhiều phương diện".
Thứ nhất, ở phương diện về kỹ thuật công nghệ. Thông qua việc tiếp cận vào các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như các yêu cầu của khách hàng đầu chuỗi, thì doanh nghiệp tiếp cận với trình độ công nghệ trình độ sản xuất sản phẩm mới, nhiều công nghệ hiện đại được tiếp cận và đưa vào sản xuất.
Thứ hai, thông qua việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp của Việt Nam dần dần được tiếp cận và làm chủ vận hành ngày càng hiệu quả các hệ thống quản lý theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Từ các hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000, hệ thống quản lý môi trường an toàn sức khỏe đến gần đây là hệ thống quản lý chất lượng trong lĩnh vực ô tô như là IATF 16949, các tiêu chuẩn về năng lượng, phát thải nhà kính, an ninh thông tin.
Điểm thứ ba, chính là năng lực tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng tốt hơn. Từ việc về tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại đến việc làm chủ các quá trình về thâm nhập từng chuỗi, đi từ việc tiếp xúc đến giới thiệu. Rồi chứng tỏ năng lực và thử nghiệm làm mẫu, củng cố mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ với khách hàng của mình.
Điểm thứ tư cũng rất quan trọng. Đấy chính là chúng ta ngày càng nhìn thấy sự phát triển về mặt năng lực ở đội ngũ cơ cấu nhân sự. Các doanh nghiệp ngày càng có các điều chỉnh về cơ cấu nhân sự phù hợp với các trọng tâm và ưu tiên phát triển năng lực trong giai đoạn mới. Từ việc đầu tư các nguồn lực kỹ thuật cho các lĩnh vực quan trọng liên quan đến quản lý chuỗi cung ứng, hay lĩnh vực về triển khai sản phẩm mới và phát triển nhân sự cũng đang nhìn thấy bước tiến rất là rõ rệt.
Vài năm gần đây với sự tiếp cận nhiều hơn các các các hệ thống quản trị tinh gọn thì ngành CNHT có điểm thay đổi thứ năm rất tích cực đó là năng suất lao động.
Sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển nền kinh tế. Cụ thể, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 7,16%; quý 2 tăng 9,51%; quý 3 tăng 12,12%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (quý 1 tăng 7,85%; quý 2 tăng 11,07%; quý 3 tăng 13,02%), đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế…
Y Nhụy