Một con lợn chạy từ cửa chuồng đến chợ/siêu thị phải qua 4 cấp trung gian, mỗi cấp chỉ cần lợi nhuận 10% đã đẩy giá bán lên quá cao. Trong khi, người nuôi bỏ tiền, công sức trong vài tháng mới xuất bán được nhưng chịu lỗ nặng.
LỜI TÒA SOẠN
Ngành chăn nuôi là sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam. Thế nhưng, khó khăn từ thị trường, 'bão' giá thức ăn chăn nuôi kéo dài khiến không chỉ nông dân mà cả các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước thua lỗ nặng.
Trong khi đó, thịt nhập khẩu, thậm chí sản phẩm thải loại vẫn ồ ạt tràn vào, "đè chết" các trang trại nội. Sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam phải chịu những rào cản kỹ thuật ngặt nghèo từ các nước, khiến ngành chăn nuôi vốn đã yếu thế càng khó chống đỡ. Người nuôi và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.
VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh bức tranh ảm đạm của ngành chăn nuôi, để những nhà quản lý có thêm thông tin thực tế nhằm sớm có các giải pháp phù hợp cho ngành này.
Người nuôi lỗ nặng, giá bán lẻ vẫn neo cao
Hơn 2 năm nay, giá thức ăn tăng phi mã, đẩy giá thành chăn nuôi lên mức mới. Điều đáng buồn, giá lợn hơi thời gian qua lại giảm mạnh và neo ở mức thấp, còn giá gà “chạm đáy”.
Người nuôi gà công nghiệp lông trắng đang chịu lỗ từ 10.000-13.000 đồng/kg khi xuất chuồng với giá chỉ 19.000-21.000 đồng/kg. Tình trạng thua lỗ kéo dài gần 2 năm nay.
Tương tự, người nuôi gà ta quý I/2022 chịu lỗ 3.100 đồng/kg khi xuất chuồng, đến quý III lại lỗ hơn 7.000 đồng/kg, quý IV lỗ 12.300 đồng/kg. Sang tháng I/2023, người nuôi tiếp tục lỗ 7.000 đồng/kg, đến tháng 4 lỗ 12.600 đồng/kg.
Với mức giá trên, những hộ chăn nuôi quy mô lớn lỗ vài tỷ đồng, còn quy mô nhỏ và vừa treo chuồng từ lâu.
Tương tự, sau 'bão giá' thức ăn chăn nuôi, giá thành sản xuất lợn đã vọt lên mức 55.000-58.000 đồng/kg. Song, thời gian qua, giá lợn hơi luôn bấp bênh. Từ cuối tháng 1/2023, giá lợn hơi tại các địa phương đồng loạt lao dốc. Có thời điểm, giá chạm mốc 46.000 đồng/kg. Bán mỗi con lợn, người nuôi lỗ khoảng 1 triệu đồng.
Những ngày gần đây, giá lợn bắt đầu hồi phục tiến tới hoà gốc, nhưng thị trường tiêu thụ khá chậm.
Trái ngược với cảnh thua lỗ của người nuôi, tại chợ hay siêu thị, giá thịt lợn, thịt gà vẫn rất cao. Đơn cử, tại một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội, thịt ba chỉ có giá 165.000 đồng/kg, nạc vai đầu giòn 185.000 đồng/kg, sườn lợn bỏ cục 185.000 đồng/kg, thịt mông 117.000 đồng/kg, móng giò giá 105.000 đồng/kg...
Thịt gà ri được bán với giá 180.000 đồng/kg, chân gà công nghiệp 95.000 đồng/kg, cánh gà khúc giữa 155.000 đồng/kg, thịt đùi gà rút xương 139.000 đồng/kg, đùi gà và má đùi 95.000 đồng/kg; ức gà 105.000 đồng/kg.
Tại các chợ truyền thống, giá sườn bỏ cục dao động từ 130.000-140.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 120.000-130.000 đồng/kg, thịt nạc mông 110.000 đồng, nạc vai và chân giò 120.000 đồng/kg, móng giò 100.000 đồng/kg.
Trong khi, thịt gà công nghiệp giá 80.000-110.000 đồng/kg tuỳ loại, gà ta có loại giá lên tới 140.000-150.000 đồng/kg (gà lông).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến từng thừa nhận, giá thịt lợn từ cửa chuồng trại đến bàn ăn đang chênh nhau khoảng 1,7 lần. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương phải có giải pháp điều tiết. Song, trên thực tế, rất ít khi giá thịt lợn trên thị trường được điều chỉnh giảm như giá bán tại chuồng trại.
Khâu phân phối 'ăn dày', lãi đậm
Chia sẻ bên lề hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới vào cuối tháng 4, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - cho rằng, trong chuỗi sản xuất gia cầm, sự phân chia lợi nhuận không đều. Tỷ lệ lợi nhuận đang tập trung ở khâu giết mổ và phân phối, nông dân chịu rủi ro nhiều nhất nhưng nhận về mức lợi nhuận thấp, thậm chí là âm như hiện tại.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng thừa nhận, lâu nay, khâu phân phối và giết mổ luôn chiếm lợi nhuận cao nhất trong chuỗi ngành hàng. Không chỉ ở Việt Nam, các nước khác cũng vậy. Tuy nhiên, ở nước ta, mức chênh lệch nhiều hơn.
“Các nước có quy định rõ ràng về tỷ lệ lợi nhuận ở mỗi khâu. Còn chúng ta có quá nhiều khâu trung gian trong chuỗi này khiến giá bị đội lên cao”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia trong ngành tính toán, một con lợn 100kg sau khi giết mổ sẽ thu được 75kg móc hàm và đầu, lòng. Từ số thịt móc hàm phân chia ra được 4kg sườn non, 13kg thịt ba chỉ, 6kg sườn cốt lết, 20kg thịt mông, 17kg thịt vai, 7kg chân giò, 2kg xương, 2kg mỡ, 2kg bạc nhạc, 2kg thịt cổ; đầu và lòng bán được khoảng 600.000 đồng.
Giá thịt lợn bán lẻ rẻ nhất cũng 100.000 đồng/kg, còn lại dao động ở mức 130.000-140.000 đồng/kg, thậm chí sườn non 180.000 đồng/kg. Như vậy, tính ra từ chợ đầu mối ra tới chợ dân sinh, dân buôn lãi đậm. Trong khi tại các siêu thị, mức giá này còn cao hơn nhiều.
Giám đốc một công ty chăn nuôi, nhận xét, chăn nuôi là khâu mất nhiều công sức và đầu tư vốn lớn nhất nhưng lợi nhuận ít nhất, thậm chí còn lỗ. Còn giết mổ và phân phối gần như không bao giờ lỗ.
Đáng ra, trong chuỗi ngành hàng, ai đầu tư nhiều hơn phải hưởng lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, nghịch lý là khâu phân phối và giết mổ “sáng gieo chiều gặt, rủi ro không có” nhưng lãi đậm nhất.
Vị này cho rằng, cần có sự phân chia rõ ràng và cân bằng hơn về lợi nhuận giữa các khâu. Về giá bán trên thị trường, cơ quan chức năng có thể tính được cụ thể, từ đó tuyên truyền công khai để người mua biết.
Thừa nhận thực tế mua bán ở Việt Nam có quá nhiều khâu trung gian, khiến người tiêu dùng phải mua với giá đắt đỏ, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bức xúc, kết quả là người sản xuất không được gì, người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Ông dẫn chứng, các siêu thị phần lớn đòi chiết khấu 20-30%. Chưa kể, hàng vào siêu thị đều là hàng ký gửi, bán xong mới thanh toán. Ngay cả bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cũng phải thừa nhận một số siêu thị mang dáng dấp độc quyền, yêu cầu chiết khấu cao với người gửi hàng vào siêu thị.
Ông Phú cho hay, ở Hàn Quốc, có chuỗi cung ứng ngắn, nghĩa là đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ, không qua khâu trung gian nên giá bán tới tay người tiêu dùng hợp lý.
Tại Thái Lan, lợi nhuận được luật hoá. Ví dụ, lợi nhuận của 1kg đường, người trồng mía được 60%, còn các khâu phân phối chia nhau 40%. Mới đây, ngành dịch vụ của họ gồm hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng bàn cách chia lợi nhuận sao cho hài hoà để đón được nhiều khách du lịch.
“Các chuỗi ngành hàng ở nước ta, khâu nào chỉ biết khâu đó, kiếm tiền đút túi mình”, ông nói.
Ông dẫn chứng, con lợn chạy từ cửa chuồng đến chợ và ra siêu thị phải qua 4 cấp trung gian, mỗi cấp chỉ cần lợi nhuận 10% đã đẩy giá bán lên quá cao. Giá cả lại lộn xộn, nơi cao nơi thấp không theo một quy định nào. Không chỉ riêng thịt, các mặt hàng khác cũng vậy.
Tất nhiên, có những hệ thống siêu thị làm ăn rất tử tế, chỉ chiết khấu 15-17%, hay không lấy chiết khấu của người gửi hàng 1 năm áp dụng với thực phẩm tươi sống.
Do đó, cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng phải làm ‘trọng tài’ để đảm bảo lợi nhuận ở mỗi khâu sao cho công bằng, ông nhấn mạnh.
Kỳ vọng là vậy nhưng ông Phú chia sẻ, thời điểm thịt lợn giá cao, Phó Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát giá, ai bán giá vô lý phải giảm xuống. Vậy mà đến nay, ông chưa thấy biên bản của cơ quan quản lý về vấn đề này.
Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về tổng đàn gia cầm, đàn lợn,... song thị phần ngành chăn nuôi đang bị các ông lớn ngoại thâu tóm dần. Khoảng 8 triệu hộ nông dân đã bị loại khỏi cuộc chơi.
Các loại thịt, phụ phẩm chăn nuôi vẫn được nhập ồ ạt về Việt Nam khiến nguồn cung tăng mạnh, trong khi nhu cầu giảm. Hàng nhập khẩu hầu hết có giá siêu rẻ nên hàng nội nhanh chóng mất sân.
Phải bán gà, bán lợn dưới giá thành sản xuất, người chăn nuôi gồng lỗ, ngập trong nợ nần. Ngay cả với các "ông lớn" ngành chăn nuôi dịp này cũng thua lỗ nặng.